Cô hiệu phó với sáng kiến làm đồ dùng dạy học từ nguyên vật liệu thiên nhiên
Với tâm niệm “mỗi trẻ đến trường đều tiềm ẩn trong mình những giá trị và khả năng riêng biệt”, cô giáo Đinh Thị Út (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Đô, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) luôn tạo mọi cơ hội để tiếp cận với trẻ, từ đó lắng nghe, xây dựng môi trường hoạt động tốt nhất giúp trẻ có thể phát huy hết năng lực của bản thân.
Gom trường, xóa điểm lẻ
Sinh ra và lớn lên ở huyện ngoại thành xa xôi nhất của Thủ đô Hà Nội - huyện Ba Vì nên cô Út hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Chính vì vậy, từ ngày đầu tiên chập chững bước chân vào nghề giáo, cô đã luôn tự dặn bản thân phải nỗ lực, cố gắng thật nhiều để đem lại những điều tốt nhất cho học sinh, phụ huynh quê hương. Đến nay, cô giáo sinh năm 1983 đã có 17 năm công tác trong nghề, trong đó có 4 năm giữ cương vị Phó Hiệu trưởng.
Cô giáo Đinh Thị Út trình bày trước Hội đồng xét duyệt vòng chung khảo Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 7. |
Cô Út chia sẻ: “Cổ Đô là một xã ven sông. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp và một số nghề phụ khác, trong đó xã có xóm Tân Tiến làm nghề vạn chài trên sông nước, nay đây mai đó. So với mặt bằng chung, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn vất vả về kinh tế. Tuy nhiên, dù không mấy dư dả, người dân vẫn dành sự quan tâm lớn đến công tác giáo dục”.
Sự quan tâm ấy đã được cụ thể hóa bằng quyết tâm của nhân dân, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc gom điểm trường, xóa điểm trường lẻ. Theo cô Út, trước đây, Trường Mầm non Cổ Đô có 3 điểm trường lẻ ở 3 khu là khu Viên Châu, Cổ Đô và Kiều Mộc. Việc phân tán các điểm lẻ khiến công tác dạy và học có nhiều khó khăn, bất cập với cả thầy cô, phụ huynh và học trò.
Trước tình hình ấy, cô Út cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã báo cáo để xin ý kiến về việc gom điểm trường, xóa điểm lẻ, đáp ứng niềm mong mỏi của phụ huynh. Nhà trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân xã quy hoạch khu đất mới khoảng 10.000m2 và được đầu tư xây dựng. Năm học 2022 - 2023, ngôi trường mới được hoàn thành, khang trang, sạch đẹp, là địa chỉ tin cậy để phụ huynh trên địa bàn xã Cổ Đô gửi gắm con em mình. Năm học 2023 - 2024, trường có 368 học sinh /15 nhóm lớp.
Tận tâm với sáng kiến gỡ khó
Cô giáo Đinh Thị Út |
Cùng với việc gom trường, xóa điểm lẻ, điều cô Út dành nhiều tâm huyết nhất đó là việc làm thế nào để tạo được môi trường tốt nhất cho trẻ hoạt động, tạo môi trường như thế nào để phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của trẻ với nguồn kinh phí tiết kiệm nhất. Sáng kiến làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có được nhen nhóm... Sau khi nghiên cứu các tài liệu về làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo, căn cứ vào nguồn lực của nhà trường và các nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương, cô đã phát động giáo viên thực hiện mô hình “Làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên”.
Theo cô Út, đây không phải ý tưởng mới trong ngành Giáo dục mà hàng năm đều được các trường thực hiện phát động thành hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo. Sau mỗi hội thi, số lượng đồ dùng, đồ chơi tăng lên rất nhiều, song hiệu quả sử dụng còn thấp. Trước thực trạng ấy, cô đã tìm ra nguyên nhân là do việc lựa chọn nguyên, vật liệu chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng. Các sản phẩm làm ra theo tính tự phát, chưa có sự tính toán về mục đích sử dụng nên sản phẩm làm ra chưa phù hợp với việc sử dụng tại nhóm, lớp. Từ đó, cô Út dành nhiều thời gian nghiên cứu, lập các danh mục cần làm theo nhu cầu, phác thảo từng sản phẩm có kích thước cụ thể phù hợp với từng độ tuổi, từng mục đích sử dụng. Cô ưu tiên chọn lựa nguồn nguyên liệu dễ kiếm, sẵn có tại địa phương. Các sản phẩm làm ra được bảo đảm theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 47/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn đồ dùng đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Với sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp và cả phụ huynh học sinh, sau khi thực hiện, mô hình của cô thu được 450 khay gỗ, 75 bàn chân thấp, 180 bộ đồ chơi âm nhạc, 150 hộp đựng bút, 120 giá để tranh nhỏ, 15 bảng tuyên truyền nhóm lớp... Ngoài ra, còn có các bộ đồ chơi học tập, các dụng cụ như giá góc nhỏ, kệ treo cây, đồ dùng phòng Montessori... được làm bằng gỗ hoặc các vật liệu dễ kiếm, chi phí thấp.
Mô hình đã góp phần gắn kết trẻ với trẻ, trẻ với thiên nhiên, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. |
Mô hình của cô đã đem lại những hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm thời gian, sức lao động, tài chính. Ước tính chi phí tiết kiệm được từ việc làm các đồ dùng, đồ chơi nguyên vật liệu thiên nhiên khoảng 45 - 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, thông qua mô hình cũng góp phần gắn kết mối quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp thông qua việc làm việc nhóm; gắn kết mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường; gắn kết giữa trẻ với trẻ, trẻ với thiên nhiên, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Qua thời gian thực hiện và sử dụng, các sản phẩm tự tạo từ mô hình đã có sức thu hút và lan tỏa trong cộng đồng. Nhà trường đã chia sẻ, lan tỏa đến các trường bạn trong và ngoài ngoài huyện thông qua các buổi kiến tập chuyên đề điểm của huyện.
Với những sáng kiến, nỗ lực của mình trong công tác, nhiều năm liên tục cô Út đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được công nhận có sáng kiến kinh nghiệm lan tỏa cấp Thành phố. Cô đạt giải Ba Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, danh hiệu Người tốt việc tốt. Năm 2023, cô là một trong 135 nhà giáo được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo.