Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chạy đua chứng chỉ ngoại ngữ "để làm gì"?

Chạy đua chứng chỉ tiếng Anh đang trở thành một áp lực lớn với cả phụ huynh đến học sinh, nhưng theo các chuyên gia giáo dục tình trạng này đang thái quá và gây mất cân bằng thu nạp các kiến thức cần khác của học sinh.

Học ngày, cày đêm…

Nguyễn Thanh Nhi - học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) vừa kết thúc buổi học IELTS chia sẻ, ngoài thời gian học trên trường, mỗi tuần Nhi phải học thêm 3 buổi học IELTS ở trung tâm.

“Em thích viết văn, làm thơ, thích vẽ nên việc học tiếng Anh quá nhiều và trải qua những kỳ thi để lấy chứng chỉ làm em cảm thấy rất áp lực, luôn trong trạng thái thiếu ngủ. Thực sự, em nghĩ tiếng Anh chỉ cần học cho biết thôi nhưng vì sợ làm bố mẹ buồn nên em đồng ý học”, Nhi tâm sự.

Chứng chỉ có phải là giá trị thực sự để đánh giá trình độ ngoại ngữ?
Ngoài học trên lớp, học sinh còn tranh thủ đăng ký học tại các trung tâm để lấy chứng chỉ ngoại ngữ nhưng nhiều em lại không biết mục tiêu lấy quá nhiều chứng chỉ để làm gì? (Ảnh minh họa)

Khác với Thanh Nhi, Hồ Đức Phúc - học sinh lớp 7 (trường THCS tại quận Gò Vấp) tỏ ra thích thú khi được hỏi bằng tiếng Anh. Phúc kể từ nhỏ đã được học trường quốc tế, thường xuyên giao tiếp với giáo viên nước ngoài giúp ngoại ngữ của Phúc khá tốt.

“Mặc dù tiếng Anh khá tốt nhưng em đã thi IELTS hơn 3 lần vẫn chưa đạt được điểm mong muốn. Tuy nhiên, em vẫn sẽ không từ bỏ, tiếp tục luyện đề, tham gia các lớp học tại trung tâm để có thể đạt được số điểm cao trong đợt tới”, Phúc chia sẻ.

Bên cạnh đó, quá nhiều trung tâm tiếng Anh được quảng cáo “rầm rộ” về việc chuyên đào tạo các loại chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS làm các bậc phụ phân vân khi lựa chọn nơi học cho con.

Chứng chỉ ngoại ngữ có phải là giá trị thực sự để đánh giá trình độ ngoại ngữ?
Phải tập trung quá nhiều vào các chứng chỉ ngoại ngữ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập các môn học khác của học sinh. (Ảnh: H.Tâm)

Mất hơn 2 tháng, gia đình anh Nguyễn Lâm (ngụ quận Bình Thạnh) mới quyết định cho con gái học tiếng Anh tại một trung tâm của bạn mình.

Theo anh Lâm, hai vợ chồng đều làm văn phòng, lương ở mức trung bình nên để đầu tư một số tiền lớn cho con học lấy chứng chỉ ngoại ngữ cần phải cân nhắc rất nhiều.

“Tuy không dư giả nhưng tôi nghĩ đầu tư cho việc học là cần thiết, nhất là tiếng Anh. Học dở môn nào cũng được, môn tiếng Anh mà giỏi là chắc chắn không thất nghiệp”, anh Nguyễn Lâm khẳng định.

Dùng chìa khóa tủ để... mở cửa nhà!

Liên quan đến việc thời gian qua, một số địa phương sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển thẳng lớp 10, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, CEO InnEdu cho rằng, việc dùng các chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển thẳng vào lớp 10 đánh giá và tuyển thẳng cho việc thi vào lớp 10 giống như "dùng chìa khóa tủ để mở cửa nhà!"

"Việc bỏ quy định dùng bằng IELTS của Bộ Giáo dục là hoàn toàn hợp lý”, bà Quyên nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay học tiếng Anh để lấy chứng chỉ cần được xem xét lại vì những lý do như học tiếng Anh để làm gì? Để lấy chứng chỉ hay để sử dụng tiếng Anh cho học tập và làm việc?

Chứng chỉ có phải là giá trị thực sự để đánh giá trình độ ngoại ngữ?
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, CEO InnEdu. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo có thể giúp cho toàn cầu có thể giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ thông qua công cụ chuyển ngữ. Trong một thời gian ngắn nữa chúng ta có thể trò chuyện thoải mái với bất kỳ người nước nào. Vậy tập trung cho việc học tiếng Anh lấy chứng chỉ có còn thực sự là mục tiêu to lớn?

Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, để thi vào lớp 10 cần xác định lại mục tiêu của kỳ thi. Trước đây, ngành giáo dục còn xem trọng việc chuyển giao kiến thức, các kỳ thi chủ yếu kiểm tra kiến thức. Tuy nhiên, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có một bước tiến tuyệt vời khi khẳng định rằng dạy học phải phát triển năng lực, không còn tập trung nhiều vào cung cấp kiến thức.

Chính vì vậy việc thi vào lớp 10 cần cân nhắc nên thì gì để có thể đánh giá được năng lực chứ không chỉ kiểm tra kiến thức đã học. Thi gì cũng chính là mục tiêu "học gì" và dẫn đến "dạy gì”.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên khẳng định, những đứa trẻ của thế kỷ 21 cần rất nhiều kỹ năng như: Nhóm kỹ năng sống; nhóm kỹ năng học tập và phát triển, nhóm kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông; những hiểu biết về tài chính, tôn giáo, văn hóa... và quan trọng nhất là năng lực tư duy cùng kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây mới chính là chìa khóa quan trọng trong tương lai của trẻ.

Nếu phụ huynh chỉ đổ xô đầu tư cho con học tiếng Anh và dùng rất nhiều thời gian vào việc này thì chúng ta đã bỏ lỡ thời gian quý báu và cơ hội để con có thể hình thành được những kỹ năng thực sự cần thiết.

“Tiếng Anh chỉ là công cụ. Bản thân tôi và rất nhiều ngừơi khác mặc dù không có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng chúng tôi đã và đang sử dụng tiếng Anh như một công cụ để phục vụ công việc của mình”, bà Quyên chia sẻ.

Bà Quyên nhận định, chính việc bạn có thể sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu và học tập đã giúp cho thế giới này trở nên phẳng đối với bạn. Tin mừng là sắp tới những người không giỏi tiếng Anh vẫn có thể sử dụng được tiếng Anh thông qua trí tuệ nhân tạo.

Nhận định về vấn đề này, Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, đối với chứng chỉ IELTS, theo khuyến cáo của đơn vị thi IELTS, không khuyến khích học sinh dưới 16 tuổi tham gia.

Chứng chỉ có phải là giá trị thực sự để đánh giá trình độ ngoại ngữ?
Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn, ĐH Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: NVCC)

“Việc học sinh học IELTS từ quá sớm không mang lại hiệu quả nhiều cho các em. Bên cạnh đó, việc phụ huynh chạy đua với các chứng chỉ ngoại ngữ để các em phải tập trung quá nhiều vào các chứng chỉ ngoại ngữ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập các môn học khác”, ThS Tâm nói.

Theo ThS Tâm, không thể phủ nhận vai trò của việc sử dụng IELTS trong bối cảnh hội nhập, nhưng nếu để đưa chứng chỉ này để đánh giá tuyển thẳng kỳ thi đầu cấp là bất hợp lý.

Bên cạnh đó, các gói học để có thể thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ không rẻ, vậy nên các em có hoàn cảnh khó khăn, ở khu vực vùng sâu vùng xa sẽ khó tiếp cận, gây nên sự không công bằng trong kỳ thi tuyển đầu cấp.

Hiện nay, có một số phụ huynh không cần biết đến mục đích sử dụng của các chứng chỉ ngoại ngữ mà chạy đua để bằng mọi giá cho con học.

Việc đầu tư sai mục đích là không cần thiết. Trên thực tế, việc học tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ là tốt. Tuy nhiên, một số trung tâm đào tạo hoặc nhà tuyển dụng đang quảng cáo có chứng chỉ ngoại ngữ như phép nhiệm màu của sự thành công làm cho nhiều bậc phụ huynh hối hả đăng ký cho con học. Đây là nhu cầu của bố mẹ chứ không xuất phát từ nhu cầu của con.

“Muốn người Việt có trình độ tiếng Anh thực thì không nên đặt nặng vấn đề cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới tốt mà còn phải xem năng lực sử dụng tiếng Anh thực sự như thế nào? Kỳ thi và bảng điểm IELTS chỉ thật sự cần thiết và rất tốt đối với các học sinh – sinh viên có nguyện vọng muốn học các chương trình bậc Đại học được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh ở trong và ngoài nước Việt Nam mà thôi”, ThS Tâm nhấn mạnh.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành dừng tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...