Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Chương trình được soạn theo hướng phát triển năng lực của người học, gia tăng yếu tố thực tiễn, trải nghiệm, dành quyền chủ động cao hơn cho các địa phương, cơ sở giáo dục, nhà giáo, cho người dạy và người học.
Ngày 9/5, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ 17 khóa IX, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã cung cấp những thông tin về công tác giáo dục, đào tạo và đổi mới chương trình, sách giáo khoa, GDPT.
Đây là một nét mới trong việc tổ chức Hội nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi từ nay, trong các kỳ họp, Đoàn Chủ tịch sẽ mời 1-2 lãnh đạo bộ, ngành trao đổi thêm thông tin về những vấn đề cử tri và nhân dân đang quan tâm.
Chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2014, Quốc hội thông qua đề án và ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về việc triển khai chương trình GDPT mới, tuy nhiên quá trình chuẩn bị biên soạn đưa ra thực tế có nhiều lý do khác nhau nên đến năm 2018 chương trình GDPT mới được ban hành. Năm 2019, chương trình mới bắt đầu triển khai trên thực tế. Chương trình GDPT mới 2018 là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống GDPT.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ về chương trình GDPT. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chương trình GDPT năm 2006 trước đây là chương trình có tính chất khung, định hướng, sách giáo khoa thể hiện một cách cụ thể và duy nhất, việc áp dụng chương trình học trên cả nước căn cứ vào một bộ sách giáo khoa, kế hoạch học tập là đồng loạt. Còn chương trình mới năm 2018 được biên soạn có tính chất chi tiết, mỗi một môn học đều có đề cương, chương trình mới có nhiều bộ sách giáo khoa.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, chương trình GDPT mới là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Chương trình được soạn theo hướng phát triển năng lực của người học, gia tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm, dành quyền chủ động cao hơn cho các địa phương, cho cơ sở giáo dục, nhà giáo, cho người dạy và cho người học.
Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện đang có 3 bộ sách giáo khoa lớn và một số cuốn sách nhỏ lẻ khác nhau. Đây là sự thay đổi rất lớn, tạo sự chủ động. Theo Bộ trưởng, việc một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa giúp huy động nguồn lực, trí tuệ lớn của xã hội để tham gia biên soạn. Đến nay có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn hệ thống sách giáo khoa.
Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện và là căn cứ để thay đổi phương pháp dạy và học, thay đổi hoạt động của nhà giáo. Trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức là chính, còn với chương trình này giáo viên là người tổ chức dạy và học, người định hướng, hỗ trợ nên vai trò của giáo viên có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường sáng tạo, chủ động.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chương trình mới cũng đặt ra nhiều thách thức so với chương trình cũ. Khi thực hiện chương trình mới thì quản lý của Bộ cũng nhiều hơn, khó khăn, phức tạp hơn, vì phải thẩm định nhiều bộ sách giáo khoa nên rủi ro cao hơn.
“Việc triển khai trương trình mới là việc chưa từng có, lạ và mới, nếu truyền thông không đầy đủ rất dễ gây ra những phản ứng của xã hội. Giáo viên nếu không tập huấn đầy đủ thì cũng sẽ gặp lúng túng trong quá trình triển khai. Có nhiều cái hay, cái mới nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành Giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến thời điểm này, việc triển khai chương trình GDPT mới đã đi được hơn nửa chặng đường. Hiện đã có sách giáo khoa mới đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; các lớp 4, 8, 11 sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Trong mùa hè này, Bộ sẽ thẩm định các bộ sách giáo khoa cuối cùng của lớp 5, 9 và lớp 12. Đến năm 2025 sẽ kết thúc việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc đổi mới lần này có thể xem là cuộc cách mạng trong giáo dục vì vậy việc có ý kiến băn khoăn là điều đương nhiên. Cơ quan quản lý cần lắng nghe, phân tích ý kiến này để hoàn thiện.
“Chúng tôi mong khi đến năm 2025, khi chương trình mới đã đi đủ chặng đường, lúc đó câu trả lời một bộ sách hay nhiều bộ sách sẽ được đánh gía một cách có căn cứ và thấu đáo hơn. Bởi vì đối với các lĩnh vực khác việc triển khai có thể nhìn thấy kết quả ngay nhưng Giáo dục rất khó nhìn thấy ngay kết quả của nó. Cho nên đánh giá cần có một thời gian để nhìn nhận” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.
“Với tư cách là những người đang triển khai, thực thi, chúng tôi mong hãy để đi hết chặng đường rồi đánh giá, thay đổi. Ngành Giáo dục vốn đã khó, nếu quay lại như cũ thì không biết đến bao giờ mới đổi mới thay đổi toàn diện giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Tạo điều kiện để ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành sứ mệnh Trao đổi về những thông tin liên quan đến nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cung cấp tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong muốn, từ sự đồng cảm, chia sẻ của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, tạo điều kiện để ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp “trồng người”, đào tạo, bồi dưỡng hiền tài cho đất nước. “Đổi mới chương trình sách giáo khoa là một việc hệ trọng, không thể không làm. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực lắng nghe với tinh thần cầu thị để đến năm 2025 tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện nội dung, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chương trình Giáo dục và Đào tạo”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh. |