Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA tăng

Một trong những chuyển biến đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan của EVFTA tăng vọt, từ 29% trong quý II/2024 lên đến 61% trong quý II/2025.

Lợi ích nổi bật của Hiệp định EVFTA

Sau 5 năm kể từ ngày hiệu lực, EVFTA đã trở thành động lực giúp trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU tăng trưởng tích cực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.

Thống kê của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đều đạt mức tăng trưởng cao với nhiều mặt hàng tăng 2-3 con số.

Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2024 đạt 68,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỉ trọng 8,7% trong tổng kim ngạch của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 51,72 tỷ USD, tăng 18,5%; nhập khẩu từ EU đạt 16,73 tỷ USD, tăng gần 12%. 

Bước sang 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục khởi sắc, đạt 29,76 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 23,02 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ EU đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,2%.

5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục khởi sắc, đạt 29,76 tỷ USD, tăng 11,8%. Ảnh: Ánh Dương

5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục khởi sắc, đạt 29,76 tỷ USD, tăng 11,8%. Ảnh: Ánh Dương

Đáng chú ý, theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sau 5 năm đưa vào thực thi, đã có đến 98,2% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam biết đến EVFTA. Gần một nửa trong số đó cho biết, Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể cho hoạt động kinh doanh.

Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy, mức độ thụ hưởng từ EVFTA có sự khác biệt tùy theo quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn thường ghi nhận lợi ích nổi bật hơn, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu từ EU sang Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy thương mại hai chiều, đặc biệt ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.

Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất trong năm qua là tỷ lệ doanh nghiệp xác định ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật của EVFTA đã tăng vọt, từ 29% trong quý II/2024 lên đến 61% trong quý II/2025. Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của lộ trình cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cũng như mức độ tận dụng ngày càng cao các điều khoản ưu đãi của hiệp định.

Không chỉ các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tận dụng tốt những ưu đãi từ EVFTA, mà hiện nay nhiều doanh nghiệp, tỉnh, thành trong cả nước đã tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này.

Đơn cử như với tỉnh Đắk Lắk (trước hợp nhất), ông Nguyễn Đình Viên, Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, doanh nghiệp của ông đã tận dụng nhiều ưu đãi từ EVFTA để xuất khẩu cà phê  sang thị trường EU.

“EVFTA đã giúp doanh nghiệp khai mở thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhờ mức thuế suất ưu đãi từ Hiệp định mà hoạt động xuất khẩu hàng năm của công ty luôn duy trì được đà tăng trưởng. Hiện, sản phẩm của công ty đã được phân phối ở hầu khắp các nước thành viên của EU, với sản lượng năm 2024 đạt khoảng 80.000 tấn cà phê nhân” - ông Viên thông tin.

Đề nghị EU sớm hoàn tất phê chuẩn EVIPA

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Cao ủy Thương mại và An ninh kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic diễn ra hôm 26/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dư địa để hai bên tăng cường hợp tác từ EVFTA còn rất lớn.

Để thúc đẩy thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ EVFTA, Bộ trưởng đề nghị, các thành viên EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) vì nếu có hiệu lực, Hiệp định này sẽ thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà EU có thế mạnh như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp... Từ đó, thúc đẩy nhập khẩu nhiều hơn từ EU, giúp cán cân thương mại giữa 2 bên cân bằng hơn.

Buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Cao ủy Thương mại và An ninh kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic

Buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Cao ủy Thương mại và An ninh kinh tế Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic

Ngoài ra, để thực thi EVFTA tốt hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic đã trao đổi về một số vấn đề liên quan đến các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dược phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện cơ giới...

Trên cơ sở thảo luận, hai bên thống nhất sẽ giao cấp kỹ thuật xây dựng danh sách các vấn đề cần trao đổi và đề xuất phương án xử lý lên cấp Bộ trưởng xem xét cũng như chuẩn bị chu đáo cho phiên họp Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA lần thứ tư, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9 năm 2025.

Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cũng nhận định, việc khai thác trọn vẹn tiềm năng của EVFTA còn phụ thuộc vào nhiều nỗ lực phối hợp. Một trong những rào cản nổi bật hiện nay là vấn đề định giá hải quan, được 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định là trở ngại chính.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phản ánh rằng sự khác biệt trong cách phân loại sản phẩm giữa cơ quan hải quan Việt Nam và EU thường xuyên dẫn đến tranh cãi về mức thuế suất và kéo theo các quy trình xử lý phức tạp, mất thời gian.

Để vượt qua các rào cản này, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã kiến nghị những giải pháp cụ thể như: đơn giản hóa quy trình nhập khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ số và các nền tảng khai báo điện tử, cũng như cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Kể từ khi FTA này có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu sang EU có sự biến chuyển lớn. Nếu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt 35,7 tỷ USD thì đến cuối 2024 đã tăng lên gần 52 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023.

5 tháng đầu năm 2025, thương mại hai chiều Việt Nam - EU duy trì tốc độ tăng trưởng khá với kim ngạch gần 30 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang EU 26 tỷ USD, tăng 12%, nhập khẩu từ EU 6,7 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...