Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Samsung đồng hành cùng Việt Nam giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có ngành bán dẫn - ngành công nghiệp mà Việt Nam đang quyết tâm phát triển. Tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ cao ở nước ta đang yếu và thiếu rất nhiều. Sự chung tay của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết.

Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực ngành bán dẫn

Công nghiệp bán dẫn là nền tảng để sản xuất ra các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động. Trong 5 năm tới, Việt Nam cần hàng chục nghìn lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp này đang tăng dần khi Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn sẽ là một trong số 9 sản phẩm quốc gia.

Theo đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, cả về số lượng và chất lượng.

Samsung vừa chính thức khai giảng chương trình SIC tại NIC
Samsung chính thức khai giảng chương trình SIC tại NIC

Việt Nam cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư bán dẫn/năm nhưng khả năng bổ sung cho nguồn nhân lực này chỉ đạt khoảng 20%. Hiện cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục Đại học có khả năng tham gia đào tạo công nghệ bán dẫn. Song, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Tại Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải coi phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá về đào tạo nguồn nhân lực và cần đầu tư cho xứng tầm đột phá này; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư cho phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn.

Hình mẫu đào tạo nhân tài công nghệ

Hiện thực hóa chủ trương, tầm nhìn của Thủ tướng Chính Phủ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang chung tay đào tạo nhân lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp của tương lai này. Samsung là một trong số đó.

Mới đây, doanh nghiệp này vừa phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) chính thức triển khai đào tạo Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023 - 2024 tại NIC cở sở Hòa Lạc. Trong chương trình, Samsung Việt Nam sẽ phối hợp cùng NIC triển khai 2 lớp đào tạo về Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), 2 lớp đào tạo về Internet Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) và 2 lớp đào tạo về Dữ liệu lớn (Big Data) dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học FPT. Thời gian các khóa học dự kiến diễn ra từ tháng 5/2024 đến tháng 8/2024 tại phòng học “SIC Lab” đặt tại NIC Hòa Lạc.

Các khóa học trong Chương trình SIC được thiết kế trên nền tảng giáo dục kết hợp giữa kỹ năng công nghệ cốt lõi trong tương lai với các kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc trong thực tiễn.

Bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 2019, đến nay, sau gần 5 năm triển khai, chương trình đã cung cấp các khóa học như C&P, AI, Big Data, IoT cho gần 6.500 giảng viên và học viên đến từ hơn 40 cơ sở giáo dục (bao gồm các cấp THCS, THPT, CĐ, ĐH). Tính đến nay, dự án đã có mặt tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một lớp học trong chương trình SIC tại NIC
Một lớp học trong chương trình SIC tại NIC

Theo ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, năm ngoái Samsung đã đón nhận những sinh viên đầu tiên, xuất sắc hoàn thành khóa học và vào làm việc tại Samsung

Ông Choi cũng bày tỏ sự tin tưởng chương trình SIC sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu cho việc đào tạo thanh thiếu niên Việt Nam trở thành nhân tài công nghệ. Bởi chương trình không chỉ được cung cấp bởi Samsung - doanh nghiệp FDI lớn nhất Việt Nam, dành cho các sinh viên ưu tú của các trường ĐH danh tiếng hàng đầu mà còn được tổ chức tại trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi chính phủ Việt Nam tập trung rất nhiều nguồn lực để triển khai.

“Samsung cũng sẽ nỗ lực để có thể đóng góp một phần nhỏ bé trong việc giải quyết vấn đề thiếu nhân tài công nghệ IT của Việt Nam” - ông Choi khẳng định.

Bên cạnh chương trình SIC, Samsung Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình bồi dưỡng nhân tài công nghệ khác, tiêu biểu như chương trình Solve for Tomorrow được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2019, không chỉ đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mà còn nuôi dưỡng năng lực tiếp cận công nghệ, sáng tạo giải pháp để giải quyết các vấn đề của xã hội; chương trình STEM Membership nhằm tìm kiếm và đào tạo học sinh THPT chuyên xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tại các quốc gia, nhằm tạo nguồn nhân lực công nghệ tương lai; dự án tài trợ phòng học Samsung Lab và hỗ trợ giáo dục cho một số trường đại học nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể tiếp cận với các kiến thức công nghệ thông tin hiện đại; Trao tặng học bổng tài năng Samsung cùng cơ hội thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung Việt Nam…

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết