Quảng Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Cơn bão số 3 đi qua đã để lại hậu quả vô cùng lớn cho tỉnh Quảng Ninh với uớc tính thiệt hại gần 25.000 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao, người dân khốn đốn khi mất hết của cải sau sự phá huỷ của thiên tai… Quảng Ninh đã có những chính sách thiết thực để khôi phục hoạt động sản xuất và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão chịu sức tàn phá khủng khiếp, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sức gió cấp 13 - 14, giật cấp 17, bão đã làm 25 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương, các cơ sở hạ tầng về điện, viễn thông, đô thị, kết cấu khu công nghiệp cũng thiệt hại nghiêm trọng. Hơn 100.000 nhà dân bị tốc mái, nhiều ngôi nhà bị đổ sập, ngập trong nước.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng thiệt hại nặng nề, ước tính tổng thiệt hại ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh là khoảng 3.692 tỷ đồng, 7.500ha lúa bị đổ ngập, hơn 400.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi, 90.000ha rừng bị thiệt hại… Tổng thiệt hại ước tính gần 25.000 tỷ đồng,
Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh hay còn gọi là "Cung cá heo" nằm bên bờ vịnh Hạ Long |
Đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Để đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội, việc khôi phục lại sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu “trợ lực” cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng tái khởi động sản xuất, bên cạnh việc báo cáo Chính phủ, làm việc với các tổ chức tín dụng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thuộc thẩm quyền; thực hiện xây dựng đề án khôi phục, tái thiết kinh tế có độ phủ rộng, nhằm tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh kết hợp khắc phục những điểm yếu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài.
Quảng Ninh đã khẩn trương, bắt tay ngay vào khắc phục, hỗ trợ Nhân dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kiến thiết kinh tế. Tỉnh đã ngay lập tức cấp bổ sung cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) số tiền là 180 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ Nhân dân, doanh nghiệp.
Đội tàu du lịch Quảng Ninh |
Cùng với việc ổn định cuộc sống, Quảng Ninh đang thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức tín dụng về việc triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Trong đó, các đơn vị tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp. Tỉnh Quảng Ninh cam kết hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.
Một góc thành phố Hạ Long |
Hiện nay đã có 5 ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (VCB); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank) triển khai các chính sách hỗ trợ, như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9.
Sau khi mưa bão đi qua, việc nhanh chóng khôi phục sản xuất, tái thiết lại kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong năm 2024 là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và là mong mỏi của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp rất cần có sự chung tay, ủng hộ, chia sẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng để người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Quảng Ninh nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất ngay sau bão |
Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh luôn quan tâm định hướng, ưu tiên các lĩnh vực thế mạnh. Cụ thể, đối với ngành Du lịch, Quảng Ninh sẽ phát triển đội tàu du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng các điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn; bám sát các định hướng, quy hoạch, tầm nhìn để áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; cơ cấu loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ hóa, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Tỉnh Quảng Ninh cũng lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn; đầu tư khai thác than xuống sâu, đồng bộ hóa và nâng cấp công nghệ sản xuất chế biến than...
Những chính sách, nguồn lực của tỉnh Quảng Ninh được triển khai ngay sau bão số 3 thể hiện sự chia sẻ của chính quyền địa phương, hỗ trợ phần nào những thiệt hại, khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao, giải pháp quyết liệt cùng chính sách kịp thời của lãnh đạo tỉnh, người dân và doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.