Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà thầu Hải Đăng: Được chỉ định hàng loạt gói thầu ngàn tỷ, lớn nhanh như "Thánh Gióng"

Công ty Hải Đăng của đại gia Thái Trường Giang là nhà thầu nổi như cồn trong những năm qua, liên tục xuất hiện tại dự án, công trình trọng điểm cả nước.

Lớn nhanh như "Thánh Gióng"

Tới nay, sau gần 16 năm hình thành và phát triển trên thị trường xây dựng, bất động sản, Công ty Cổ phần Hải Đăng đã thay da đổi thịt, trở mình từ một doanh nghiệp cỡ nhỏ, vô danh ở thành phố Tây Ninh biến thành một nhà thầu nức tiếng thuộc diện ăn nên làm ra hàng đầu đất nước, mỗi năm doanh thu cán ngưỡng cả ngàn tỷ đồng.

Được thành lập vào tháng 11/2008, Công ty Hải Đăng lâu nay chủ yếu do một tay vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Thái Trường Giang (SN 1972), người con đất Tây Ninh vun trồng. Trước khi ra làm kinh doanh riêng, ông Giang có thâm niên 8 năm (1999 - 2007) công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh.

Ở độ tuổi 44, có vẻ thuyền trường Thái Trường Giang đã sớm tìm ra con đường dẫn tới thành công nhanh chóng cho Công ty Hải Đăng. Và đó là lúc ông Giang tận dụng triệt để cơ hội, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của Công ty Hải Đăng vươn xa ra khỏi sân nhà Tây Ninh, hướng đến mục tiêu khai phá những thị trường màu mỡ và giàu tiềm năng trên cả nước.

Nhà thầu Hải Đăng: Được chỉ định hàng loạt gói thầu ngàn tỷ, lớn nhanh như

Doanh nhân Thái Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hải Đăng. (Ảnh: Công ty Hải Đăng)

Ngày 25/10/2016, một bước ngoặt quan trọng đã xảy đến, vốn điều lệ của Công ty Hải Đăng bỗng chốc tăng vụt từ 40 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, tương đương gấp 5 lần ngay khi người đứng đầu Hội đồng quản trị ký ban hành quyết định. Kể từ lúc này, Công ty Hải Đăng phát triển rất mạnh mẽ, nhận được nhiều hợp đồng lớn nhỏ ở quê nhà tạo bàn đạp nâng sức, nâng tầm vươn ra các địa phương khác.

Theo quan sát, 2019 có lẽ là khoảng thời gian tăng tốc đến với Công ty Hải Đăng, khi nhà thầu trúng một mạch 6 gói thầu xây lắp có tổng giá trị trên 1.250 tỷ đồng, toàn bộ đều "thu hoạch" được từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh giai đoạn ông Đặng Hoàng Chương làm Giám đốc. Hiện, ông Đặng Hoàng Chương đang làm Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh, mới đây được giao quyền phụ trách Sở trong thời hạn 6 tháng (từ tháng 1/2024) do Giám đốc Nguyễn Tấn Tài xin nghỉ tạm thời để điều trị bệnh.

Nhà thầu Hải Đăng: Được chỉ định hàng loạt gói thầu ngàn tỷ, lớn nhanh như

Ông Đặng Hoàng Chương được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh kể từ ngày 15/3/2019, trước khi lên làm Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải. (Ảnh: Báo Tây Ninh)

Với bộ hồ sơ năng lực, kinh nghiệm phần lớn được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh làm đẹp, Công ty Hải Đăng sau đó dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào các dự án, các công trình có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Ví dụ, tháng 9/2020, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) đã lựa chọn Liên danh Công ty Hải Đăng - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi trúng gói thầu XL02: Thi công xây dựng đoạn Km154+000 - Km168+000, nút giao Chợ Lầu và hệ thống an toàn giao thông đoạn Km134+000 - Km168+000 gần 900 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2023, Ban Quản lý dự án 7 giao tiếp gói thầu XL01: Thi công xây dựng đoạn Km285+000 - Km337+500 thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 cho Liên danh có sự góp mặt của Công ty Hải Đăng (cùng với Công ty Cổ phần Lizen, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C) theo hình thức chỉ định thầu.

Giá gói thầu này hơn 4.700 tỷ đồng, là công trình trọng điểm quốc gia nên đặc biệt được chú ý về chất lượng cũng như tiến độ thời gian thi công. Đây còn là gói thầu "khủng" nhất mà Công ty Hải Đăng tham gia thực hiện trong lịch sử phát triển của mình.

Một gói thầu gần 3.000 tỷ đồng nữa cũng được chỉ định cho Liên danh của Công ty Hải Đăng thực hiện, đó là gói thầu số 12-XL: Thi công xây dựng đoạn Km24+900 – Km47+000 mời thầu bởi Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) hồi tháng 12/2022. Tại gói thầu này, Công ty Hải Đăng đồng hành sánh vai cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và ba ông lớn xây dựng khác.

Trên thực tế, Công ty Hải Đăng và Tập đoàn Thuận An trước đó đã xây dựng mối quan hệ thân thiết nhất định, lột tả rõ ràng nhất qua gói thầu: Thi công xây dựng công trình ĐT.793 đoạn từ Km0+00 đến Km24+00 và các cầu Suối Núc, Kênh Tân Hưng, Suối Ky do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Hai doanh nghiệp phối hợp thực hiện gói thầu 300 tỷ đồng này từ tháng 7/2019 - thời điểm Công ty Hải Đăng bắt đầu "lột xác" với tốc độ "phi mã".

Doanh thu lập đỉnh giữa thời dịch bệnh

Điều hành doanh nghiệp to lớn, khối lượng công việc đầy ắp và luôn luôn trong trạng thái vắt kiệt sức lao động nhằm đảm bảo tiến độ thi công, ông Thái Trường Giang cần trang bị những nhân sự ưu tú bên mình để cùng gánh vác trọng trách lớn lao. Tuy nhiên, cách mà đại gia đất Tây Ninh sử dụng hiền tài khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Thay vì có cho mình một trợ thủ tâm phúc, ông Thái Trường Giang vẫn miệt mài tìm kiếm nhân tố thích hợp cho chiếc ghế Tổng giám đốc Công ty Hải Đăng ròng rã gần 10 năm qua. Từ năm 2016 đến 2023, trong bảy năm qua doanh nghiệp không chỉ tăng vốn gần 20 lần (40 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng), lần lượt cũng có tới 7 vị Tổng giám đốc đã đến rồi đi, "chảy máu" nhân sự cao cấp cho thấy chế độ đãi ngộ của Công ty Hải Đăng phải chăng chưa đủ sức giữ chân người tài, hoặc đơn giản là do tiêu chí chọn lựa của ông Thái Trường Giang quá cao, hiếm ai khó lòng đáp ứng nổi!?

Cụ thể, theo tài liệu Báo Công Thương có được, tháng 3/2017, Tổng giám đốc Công ty Hải Đăng là ông Vũ Đình Hải (SN 1969), nhưng đến tháng 1/2018 đã giao lại cho ông Phan Trung Hiếu (SN 1976). Ông Hiếu giữ ghế nóng đến tháng 9/2018 (khoảng 8 tháng) đã lại đứng lên nhường cho ông Huỳnh Bảo Châu (SN 1975); tiếp đó là ông Hoa Công Khanh (SN 1981, từ tháng 6/2020), ông Mai Lê Anh (SN 1974, từ tháng 12/2020), ông Cao Sơn Nhân (SN 1966, từ tháng 6/2021), ông Lê Quang Việt (SN 1973, từ tháng 10/2021) và ông Đỗ Đức Bình (SN 1976) - từ tháng 6/2023 đến thời điểm hiện tại.

Biến động dữ dội nhưng không làm cản trở quá trình "phất lên như diều" của Công ty Hải Đăng. Năm 2017, doanh thu thuần của họ đạt 776 tỷ đồng, sang năm sau đã tăng gấp đôi lên 1.417 tỷ đồng và duy trì ở mức 1.427 tỷ đồng trong năm 2019.

Nhà thầu Hải Đăng: Được chỉ định hàng loạt gói thầu ngàn tỷ, lớn nhanh như

Doanh thu của Công ty Hải Đăng tăng lên cao nhất vào năm 2020, khi nền kinh tế trong và ngoài nước rơi vào trạng thái đóng băng vì dịch bệnh

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ, tác động xấu đến kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không ngăn nổi đà tăng trưởng đầy hưng phấn của Công ty Hải Đăng. Doanh thu tiếp tục tăng khoảng 14% so với năm 2019 lên 1.615 tỷ đồng - là mức đỉnh cao chưa từng có của nhà thầu.

Chỉ đến các năm 2021 - 2022, doanh thu của họ mới giảm tốc về lần lượt 1.464 tỷ đồng và 1.181 tỷ đồng, tuy nhiên, vẫn là những thành tích rất đáng ngưỡng mộ, bỏ xa tốc độ phát triển của những doanh nghiệp cùng ngành, cùng thời khác. Cần lưu ý, nhà thầu của ông Thái Trường Giang trước năm 2021 chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với doanh thu trong khi đặc thù để hoạt động trong ngành xây dựng, doanh nghiệp cần có nguồn vốn đủ lớn nhằm phục vụ những khoản chi trả tối thiểu như lương nhân công, vật liệu xây dựng, trang bị máy móc đảm bảo đáp ứng chất lượng và tiến độ công trình đề ra.

Về lợi nhuận, các năm 2017 - 2022, nhà thầu mang về 4,1 tỷ đồng, 12,2 tỷ đồng, 12 tỷ đồng, 12 tỷ đồng, 8,2 tỷ đồng và 7,5 tỷ đồng. Tính ra, với tổng doanh thu khoảng 7.900 tỷ đồng, Công ty Hải Đăng đã chỉ chuyển đổi được thành 56 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng hệ số sinh lời 0,7% - vô cùng mỏng manh. Đồng nghĩa với đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách mỗi năm của nhà thầu chỉ khoảng 1 - 2 tỷ đồng, trong khi phần lớn doanh thu lại đến từ ngân sách, là chi tiết thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Công ty Hải Đăng là 1.427 tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với vốn chủ sở hữu (552 tỷ đồng). Chủ yếu các khoản nợ của nhà thầu là nợ thương mại, ghi nhận ở khoản mục Phải trả ngắn và dài hạn khác (hơn 1.100 tỷ đồng).

Thành danh trong làng xây dựng, đại gia Thái Trường Giang còn được biết đến với tư cách là doanh nhân gạo cội trên lĩnh vực công nghệ, môi trường, nông nghiệp, bất động sản, năng lượng tái tạo... Ông Giang đã và đang góp vốn, điều hành tại Công ty Cổ phần Môi trường Tây Ninh, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng, Công ty Cổ phần Năng lượng mặt trời Tây Ninh, Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại GGN...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết