Doanh nghiệp sản xuất ứng phó với biến động tỉ giá
Biến động tỉ giá cùng với những rào cản thị trường những tháng cuối năm 2022 đang tác động mạnh mẽ đến số lượng các đơn đặt hàng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất ứng phó với biến động tỉ giá. Ảnh: D.N |
Chủ động ứng biến
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM - cho biết, biến động tỉ giá khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang khó khăn về xuất khẩu.
Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ không dám nhập khẩu quá nhiều vì gặp tác động mạnh của giá đầu vào. Nếu đồng USD tăng giá cao, lãi suất ngân hàng cũng sẽ có xu hướng tăng, kéo theo các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận nguồn tín dụng nay lại càng thêm khó khăn, doanh nghiệp cũng nên có kế hoạch chuyển hướng nhập khẩu từ những thị trường có nguyên liệu giá rẻ.
Lên kế hoạch trong quý IV/2022, phía Công ty Cổ phần Bánh kẹo Tràng An cũng dự kiến sẽ sản xuất khoảng 3.000 tấn bánh kẹo cung ứng cho thị trường trong nước. Nguyên liệu chính mà doanh nghiệp sử dụng là bột mì nhập khẩu nên trong bối cảnh tỉ giá liên tục biến động khiến giá bột mì có thể tăng từ 10-20%. Thay vì tự nhập khẩu, doanh nghiệp này phải xoay xở, tìm đến một nhà cung cấp chuyên nhập khẩu bột mì từ nước ngoài với số lượng lớn để tận dụng được ưu thế về giá thành.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may cũng đã chủ động chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển, đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất cuối năm.
Tiếp tục bám sát thị trường, đảm bảo sản xuất ổn định
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng Trung ương lớn đã đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành khi xung đột giữa Nga - Ukraina làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát, gây biến động tỉ giá lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Trước áp lực Fed tăng lãi suất đồng USD, NHNN đã tiếp tục tăng biên độ tỉ giá giao ngay USD và VND. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2022, nền kinh tế có thể sẽ được bơm thêm thanh khoản tiền đồng và hạn chế cung ngoại tệ, giữ ổn định dự trữ ngoại hối, cân bằng cán cân thanh toán xuất nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN phải điều chỉnh biên độ tỉ giá đồng thời nâng tỉ giá trung tâm là do hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD, trong đó có đồng Yên Nhật (40%), Euro và bảng Anh (30%), Trung Quốc (8%).
Việc này nhằm giảm cung ngoại tệ ra thị trường giúp cân bằng cung cầu về đồng USD, song cũng phần nào gây một số khó khăn với các công ty nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu sản xuất.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nền kinh tế thế giới thời gian vừa qua có ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu trong khi giá cả thế giới tăng cao và có thể tiếp tục tăng nếu như diễn biến lạm phát thế giới chưa kiểm soát được.
Với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, NHNN không thể chủ quan với diễn biến của lạm phát và không thể chỉ kiểm soát lạm phát năm nay mà còn các năm sau, đó là mục tiêu kiên định trong dài hạn.
Đề cập đến nội dung này, GS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2022, áp lực về lạm phát không lớn nhưng lớn nhất chính là áp lực về kiểm soát tỉ giá.
Theo ông Cường, Việt Nam cần phải kiên định giữ tỉ giá, nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với những biến động của thị trường. Nếu không ổn định được tỉ giá thì rất có thể dẫn đến nguy cơ dự trữ ngoại tệ chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp, sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ.