Để doanh nghiệp ở lại thị trường
Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 19.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Theo thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương,… cũng có mức giảm khoảng 3,7-20%.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có 41,2% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 17,6% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh và các khó khăn khác.
Ảnh minh họa. |
Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như giá nguyên liệu tăng, tổng cầu trên thị trường giảm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, việc thiếu ổn định về chất lượng và chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch,… cũng là rào cản rất lớn của doanh nghiệp.
Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất cho phù hợp. Chia sẻ về khó khăn của ngành Dệt may, ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu ngành Dệt may giảm hơn 50%. Yếu tố cốt lõi để cạnh tranh với hàng dệt may các nước lân cận không còn là giá rẻ mà là xanh hóa sản xuất. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng tái đầu tư theo hướng xanh hóa, tái sinh, tái chế chất thải, chuyển đổi công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần được hỗ trợ vốn vay. Ngân hàng Nhà nước cần triển khai sớm gói vay lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giảm thuế, tiền thuê đất; nghiên cứu, đề xuất thay đổi điều kiện tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai cho doanh nghiệp vay vốn.
Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ nên tăng cường đầu tư hạ tầng xanh. Trong đó, có chiến lược phát triển nguồn cung năng lượng tái tạo, hoàn thiện hành lang pháp lý để hình thành thị trường tín chỉ carbon, thị trường tái sinh... Đây là cơ sở chính yếu để doanh nghiệp chuyển đổi xanh hoặc tiếp cận kinh tế tuần hoàn, áp dụng giải pháp trung hòa carbon thông qua hình thức mua tín chỉ carbon để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn rào cản xanh khi xuất khẩu.
Chính phủ cũng nên sớm hình thành và đa dạng nguồn vốn tín dụng xanh với lãi suất vay ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước khi nguồn vốn này hiện khá phổ biến trên toàn cầu. Theo đó, doanh nghiệp các nước có thể tiếp cận vay vốn chuyển đổi xanh với lãi suất vay 0-4%, thấp hơn rất nhiều so với mức vay doanh nghiệp trong nước đang tiếp cận.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham tán thương mại, tập trung vào các quốc gia tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EU,... Hy vọng, với những giải pháp hỗ trợ nhanh và đồng bộ có thể giúp doanh nghiệp duy trì chỗ đứng trên thị trường.