Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến giấc mơ thành hiện thực

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp, mà phải làm sao bản thân người lao động phải trở thành người chủ doanh nghiệp có đủ tố chất về quản trị, đủ tố chất hình thành một ông chủ.

Đào tạo thành những người chủ

Chia sẻ tại Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” vừa diễn ra mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nền tảng của nông nghiệp chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong tương lai.

Biến giấc mơ thành hiện thực
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.

Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, IoT… đang ngày càng phát triển, và tạo ra thách thức cho nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Điều này, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải đặt trong một xu thế chung để tìm ra hướng đi.

Bộ trưởng cho rằng, trường học không chỉ đào tạo tri thức mà còn phải đào tạo trí tuệ, nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp đều phải hướng tới sự tích hợp, tư duy tích hợp sẽ tạo ra giá trị. Có hai mục tiêu trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Nông nghiệp là đào tạo cung ứng cho nền kinh tế quốc gia thông qua các doanh nghiệp và đào tạo trực tiếp thành những người chủ.

"Tại sao cứ nghĩ rằng, giáo dục đào tạo chỉ là cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp, mà phải làm sao bản thân người lao động phải trở thành người chủ doanh nghiệp có đủ tố chất về quản trị, đủ tố chất hình thành một ông chủ, một giám đốc hợp tác xã, trang trại nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Bộ trưởng cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận về đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp - nông thôn, để hướng đến các trường không chỉ cung cấp một việc làm cho người học, mà còn đào tạo người học có thể làm việc ở nhiều vị trí việc làm khác nhau trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không thể phó thác cho Nhà nước, cho các trường mà phải hợp tác với các trường để đầu tư nguồn nhân lực có tầm dài hạn.

Theo ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 tăng lên 21 cơ sở giáo dục đại học với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam bộ có quy mô đào tạo gần 517.000 sinh viên với tỷ lệ 30,2% - đứng thứ hai của cả nước.

Tuy nhiên, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức như lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng Đông Nam bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020. Vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người.

Trước bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, tình yêu đối với ngành Nông nghiệp cho các ngành phục vụ nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở, bảo đảm học sinh tốt nghiệp có kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp; có đủ năng lực làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài hoặc tiếp tục học lên bậc học cao hơn.

Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện nguồn lao động của các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm quá thấp, khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện đại, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế và không thể sử dụng sinh viên ra trường ngay mà cần phải đào tạo lại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi khách hàng quốc tế đòi hỏi lao động của doanh nghiệp phải am hiểu quy trình vận hành máy móc công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và ngôn ngữ quốc tế chuyên ngành.

"Nhiều chương trình đào tạo hiện nay tập trung nhiều vào kiến thức lý thuyết, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm thực hành. Chương trình, phương pháp giảng dạy của các đơn vị đào tạo không theo kịp với xu hướng và nhu cầu phát triển của ngành. Sự hợp tác hạn chế giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp cản trở tính thực tiễn và định hướng giáo dục cho ngành, khiến cho sinh viên ra trường khó áp dụng kiến thức trong doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại", bà Chi cho biết.

Bà Chi cho rằng, cần phải xây dựng và nâng cao mối quan hệ gắn kết, hợp tác bền vững giữa các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của đơn vị đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng đầu vào cho doanh nghiệp.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì phát triển nguồn nhân lực chất lượng đảm bảo cho sự thành công của công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Về lâu dài, việc đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Bà Lan nhận định, việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các bên. Việc hợp tác với khối doanh nghiệp sẽ góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, người học thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cũng cho rằng, để ngành lâm nghiệp và chế biến phát triển bền vững trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các hiệp hội, doanh nghiệp với các trường, viện trong các đề tài phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Đồng thời, các trường cần có đề cương chi tiết để xây dựng, góp sức cho việc phát triển nguồn nhân lực ngành Lâm nghiệp và chế biến gỗ thành những người nông dân hiện đại trong tương lai.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong chiến lược phát triển sắp tới, Lộc Trời quan tâm đến việc đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với các viện, trường xây dựng chương trình cập nhật thường xuyên, đào tạo và đào tạo lại để gắn các em vào các hợp tác xã, tổ chức ở nông thôn, từ đó phát huy được hiệu quả xã hội, giúp các em có thể tự trang trải một phần cơ bản về thu nhập.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...