Xây dựng Quy hoạch điện VIII có tính tổng thể, toàn diện, lâu dài
Thường trực Chính phủ lưu ý việc xây dựng Quy hoạch điện VIII có tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để quá trình quản lý thực hiện quy hoạch vừa có tính chủ động và có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 277/TB-VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Trước đó, ngày 20/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo về các nội dung chính của Quy hoạch điện VIII và các nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ, ý kiến phát biểu của đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, đây cũng là quy hoạch rất khó, nhất là trong bối cảnh hiện có nhiều biến động về năng lượng, chuyển đổi năng lượng trên thế giới do các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, sự thay đổi, phát triển rất nhanh của công nghệ trong ngành năng lượng và yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa
Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương, dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã hoàn thiện Quy hoạch điện VIII có nhiều điểm mới, ưu việt hơn so với tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021. Các nội dung của Quy hoạch điện VIII đã cơ bản bám sát các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, đã có nhiều nỗ lực cụ thể hóa các giải pháp thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Tuy nhiên, một số nội dung của Quy hoạch điện VIII cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích toàn diện, tổng thể, nhất là việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam để hoàn thiện thêm mới đáp ứng cao nhất các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch nêu trên.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu trong cuộc họp; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:
Cập nhật tính toán đồng bộ các nội dung của Quy hoạch điện VIII có tầm nhìn đến năm 2050 (vì các quy hoạch ngành và quy hoạch quốc gia cơ bản lấy mốc thời gian đến năm 2050).
Tiếp tục rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030. Ngoài các dự án đã được loại bỏ, không đưa vào Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo (phải khẳng định không có hệ lụy pháp lý và không có khiếu kiện), Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khác đang triển khai song hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc về thu xếp vốn, để trao đổi, thống nhất về việc có tiếp tục hay không tiếp tục các dự án điện than trong điều kiện hiện nay hoặc phương án xử lý khác.
Rà soát tiến độ khả thi các dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước; đồng thời, tính toán cân đối giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030 và tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi. Gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện (vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian).
Về quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030 cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý; đồng thời không hợp thức hóa cái sai. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.
Tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ CHDCND Lào, nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen, linh hoạt… nhất là những nơi có điều kiện trồng rừng và sản xuất hydrogen.
Nghiên cứu về định hướng các cơ chế chính sách cần thiết bảo đảm quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Xây dựng quy hoạch có tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để quá trình quản lý thực hiện quy hoạch vừa có tính chủ động và có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh; đồng thời, nghiên cứu việc phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực và đề cao trách nhiệm của các cấp trong quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật...