Tập trung nguồn lực hỗ trợ lao động mất việc, giảm việc
Trước bối cảnh số công nhân lao động bị mất việc, giãn việc gia tăng trong những tháng cuối năm, tổ chức Công đoàn đang nỗ lực làm việc với các bộ, ngành để bàn các giải pháp tháo gỡ, kịp thời ban hành, đề xuất chính sách hỗ trợ, giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nắm chắc tình hình lao động tại địa phương
Trao đổi về tình hình việc làm, đời sống của người lao động tại Chương trình “Cùng nhau làm nên Tết” diễn ra sáng qua (7/12), ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: Năm 2022, đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế đang được phục hồi, các doanh nghiệp cơ bản đi vào hoạt động bình thường, từ đó mang lại cho người lao động việc làm, thu nhập. Tuy nhiên, trong những tháng cuối của năm 2022, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và khu vực đã tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong Quý III, IV, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến gỗ trong các tỉnh phía Nam bị cắt giảm đơn hàng.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh thông tin về hoạt động chăm lo Tết cho người lao động qua Chương trình “Cùng nhau làm nên Tết”. |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng với số lao động bị ảnh hưởng là hơn 500.000 người, trong đó 42.000 người lao động bị mất việc làm. “Đây là vấn đề Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn đang rất quan tâm", ông Phan Văn Anh khẳng định.
Trước tình hình trên, ông Phan Văn Anh cho biết: Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức rất nhiều cuộc họp trong Đoàn Chủ tịch để nhận định, đánh giá về tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người lao động. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố, các Công đoàn ngành, các Công đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình khi doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng, báo cáo kịp thời cấp trên để có các biện pháp hỗ trợ.
Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm có văn bản chỉ đạo: Các cấp Công đoàn chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản… để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.
“Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ sớm có cuộc trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam để đánh giá tình hình lao động, từ đó, ba cơ quan liên quan sẽ cùng kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin.
Ưu tiên mọi nguồn lực chăm lo Tết
Trao đổi về các giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc, giãn việc cuối năm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Người lao động rơi vào hoàn cảnh mất việc, giãn việc, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại các khu công nghiệp - chế xuất cho thấy hầu hết công nhân lao động đều không có tích lũy, nên khi mất việc càng trở nên khó khăn. Do đó, đây sẽ là những đối tượng được các cấp Công đoàn ưu tiên, tập trung hỗ trợ.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua tổng hợp nhanh từ cơ sở, đến nay: Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động là 1.235 doanh nghiệp, tập trung tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó: Loại hình doanh nghiệp dân doanh có 646 doanh nghiệp (chiếm 52,27%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 590 doanh nghiệp (chiếm 47,73%). Thống kê cũng cho thấy, số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm đến nay là 472.214 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong số này có 30.279 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Về mức độ ảnh hưởng: Số lao động thôi việc, mất việc: 41.558 người (chiếm 8,80%); số lao động bị giảm giờ làm: 430.665 người, chiếm 91,20% (bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động). Đáng chú ý trong số này có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110.227.809.883 đồng; có 121 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237.932.337.076 đồng. |
Nhấn mạnh chương trình chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động là một trong những giải pháp để góp phần tháo gỡ, hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn, ông Phan Văn Anh cho biết: Nhận định trước những diễn biến phức tạp về tình hình việc làm, năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm ban hành kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”.
Điểm nhấn của hoạt động chăm lo Tết cho người lao động năm nay là Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” được tổ chức tại các tỉnh, thành phố để trưng bày các gian hàng, giới thiệu và bán sản phẩm thiết yếu với giá ưu đãi phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của đoàn viên, người lao động, nhất là người lao động tại vùng sâu, vùng xa, nơi đi lại và kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức 22 phiên chợ Tết tại các tỉnh, thành phố. Dự kiến, có khoảng 5.000 - 10.000 lượt công nhân lao động đến tham gia, thụ hưởng rất nhiều sản phẩm thiết yếu. Mỗi phiên chợ có tối thiểu 40 gian hàng, có địa phương đã đăng ký lên tới 120 gian hàng trong vòng 3 ngày.
"Chúng tôi đã làm việc với một số đối tác, doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã cam kết bán hàng giảm giá cho người lao động với mức giảm 15%, thậm chí tới 50% so với mức giá hiện hành trên thị trường. Bên cạnh đó, sẽ có những gian hàng 0 đồng và phiếu mua hàng trị giá tới 300 nghìn đồng được phát miễn phí cho người lao động..." - Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh thông tin.
Năm nay, nhiều người lao động gặp khó khăn nên Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến dành “Gói hỗ trợ” 500 tỷ đồng phân bổ về các Công đoàn ngành, địa phương, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để chăm lo, hỗ trợ quà Tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, với mức 500 nghìn đồng/suất quà, chi bằng tiền mặt (ước có khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ - tương đương 10% tổng số đoàn viên Công đoàn đang quản lý).
Cùng đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, nếu cần thiết phải chăm lo đoàn viên, người lao động tại Công đoàn cơ sở thì giao Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tự quyết định về mức chăm lo và hình thức (tiền mặt hoặc hiện vật). Đồng thời triển khai huy động thật tốt nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay chăm lo Tết cho người lao động; tổ chức các phiên chợ Tết, kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia bán hàng giảm giá cho người lao động…/.