Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa luật để cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực dầu khí

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 3/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể như: Chưa có quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống (như dầu khí sét, băng cháy,...); chưa có quy định về các dự án khai thác dầu khí có hệ thống thiết bị được xây dựng ngoài diện tích hợp đồng đã được xác định ban đầu hoặc triển khai theo chuỗi.

Sửa luật để cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực dầu khí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình của Chính phủ. (ảnh: QH)

Đồng thời, quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn; chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại...

Vì vậy, Dự thảo Luật Dầu khí giải quyết 6 nhóm chính sách để khắc phục các bất cập nêu trên. Dự thảo Luật bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí như: Quy định thời hạn hợp đồng dầu khí là 30 năm đối với cả dầu và khí; các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 35 năm (tăng thêm 5 năm so với Luật Dầu khí trước đây).

Thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm để tương đồng với các nước trong khu vực nhằm tăng tính thu hút đối với các nhà đầu tư. Nhà thầu có thể đề xuất đầu tư bổ sung nhằm gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu dầu khí với điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký kết kết thúc, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trường hợp phát hiện mỏ dầu khí vượt sang diện tích của lô dầu khí mở liền kề, nhà thầu được phép đề xuất điều chỉnh, mở rộng diện tích hợp đồng; mỏ dầu khí vượt sang diện tích của một hoặc nhiều lô dầu khí liền kề đã ký hợp đồng dầu khí, các nhà thầu được phép đề xuất hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí để thẩm lượng và phát triển chung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và khai thác tối ưu tài nguyên dầu khí...

Dự thảo Luật cũng quy định nghĩa vụ tài chính về chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp, gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí theo hướng rõ ràng hơn; quy định cụ thể việc tiếp nhận của nước chủ nhà trong chuyển giao hợp đồng dầu khí từ nhà thầu vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí; bổ sung quy định điều tra cơ bản về dầu khí vào dự thảo Luật để nâng cao tính pháp lý, minh bạch về nội dung, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, nhà thầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng.

Sửa luật để cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực dầu khí
Toàn cảnh phiên họp sáng 3/6. (ảnh: QH)

Đồng thời bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Thẩm tra dự án luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ về trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan này và nghiên cứu, bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ về cơ chế thực hiện điều tra cơ bản, cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia, hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân... Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định những nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

Về phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hình thức và nội dung chính của hợp đồng dầu khí, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí; phân cấp, giao thẩm quyền cho PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng...

H.L
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...