Quy định rõ thủ tục để công dân đăng ký dự thính họp Quốc hội
Dự thảo Nội quy cần quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội.
Ngày 8/9, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, chương trình của kỳ họp, các phiên họp, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản. Mỗi phiên họp toàn thể của Quốc hội cần bố trí thời gian hợp lý để Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua các quyết định, bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin, có đủ thời gian để nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề khi quyết định, tăng thời lượng thảo luận tại các phiên họp toàn thể, giảm thời lượng thảo luận tổ, nâng cao chất lượng thảo luận tổ.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị các phiên họp cần giảm bớt thời gian trình bày bằng văn bản. (Ảnh: Quốc hội) |
Dự thảo quy định trường hợp không thể tham gia dự phiên họp dưới 2 ngày, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự họp Quốc hội hoặc vắng mặt tổng số 2 ngày trở lên thì phải báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định trên sẽ không linh hoạt và có thể phát sinh những công việc đột xuất nên đại biểu không biết trước mình sẽ vắng mặt tổng số là bao nhiêu. Do đó, để đảm bảo sự linh hoạt, thuận lợi trong việc điều hành của Chủ tịch Quốc hội, cần sửa đổi lại quy định trên theo hướng chỉ trong trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 2 ngày liên tục trở lên tại kỳ họp mới do Chủ tịch Quốc hội quyết định.
“Dự thảo Nội quy cần quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội”, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị.
Cùng quan tâm đến những người được mời dự thính kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) dẫn quy định tại khoản 5 Điều 5 Dự thảo Nội quy cho biết: Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, việc để công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội là điều rất cần thiết. (Ảnh: Quốc hội) |
“Việc để công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội là điều rất cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội và đưa Quốc hội đến gần dân, đến gần với cử tri của cả nước hơn. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn về quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri, nhân dân có thể nắm bắt và đăng ký tham dự theo quy định và cũng không thể quá số lượng đại biểu Quốc hội trong hội trường, phải có những hạn định”, đại biểu nói đoàn Thừa Thiên Huế đề nghị.
Mời Chủ tịch tỉnh, thành dự phiên chất vấn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) lại mong Quốc hội xem xét, cân nhắc, sửa chữa các quy định để mời thêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành dự các phiên chất vấn. “Nếu làm được thì chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn và giải quyết sau chất vấn sẽ tốt hơn”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong Quốc hội xem xét mời thêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành dự các phiên chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc đại biểu vắng mặt tại phiên họp. “Vắng thì phải xin phép và được phép thì mới được vắng, họp Quốc hội là vô cùng quan trọng, tại sao chỉ báo xong là nghỉ. Đại biểu Quốc hội vắng không quá 30% thời gian họp ở mỗi kỳ họp, phải nói thẳng như vậy, bận mấy thì bận, tất cả thời gian là do mình tự sắp xếp hết, dù đồng chí đó giữ một cương vị rất lớn của một tỉnh thành nào thì sắp xếp lịch cũng phụ thuộc rất lớn vào chính đồng chí đó cho nên đồng chí phải tự sắp xếp”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị thời gian tranh luận nên quy định không quá 3 phút, vì đã tranh luận thì phải tranh luận tương đối cho ra nhẽ, nói quá ngắn cũng không đảm bảo được, hết được ý, vì các vấn đề tranh luận thường là những vấn đề phải nói là gay cấn.
Đề cập đến quyền tổ chức họp báo hoặc là thông tin với báo chí về những nội dung đại biểu cần quan tâm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng qua kênh này rất tốt và cũng là một hình thức thảo luận trước khi vào trong phiên họp, nhiều vấn đề dư luận quan tâm cũng như đại biểu quan tâm. Nhưng trong Nội quy kỳ họp chưa quy định vấn đề này.
“Khi đại biểu Quốc hội tổ chức họp báo hoặc thông tin với báo chí thì báo cáo ở đâu, xin phép như thế nào và các quy định cụ thể như thế nào, tôi nghĩ cũng nên quy định ở trong Nội quy này”, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị.