Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân lên những “Tủ sách Công đoàn”

Nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động đối với việc đọc sách để cập nhật kiến thức phục vụ lao động sản xuất và cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang duy trì hiệu quả các “Tủ sách Công đoàn” tại các doanh nghiệp, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Ghi nhận thực tế trong quá trình tác nghiệp của phóng viên báo Lao động Thủ đô cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng thư viện, “Tủ sách Công đoàn” với các đầu sách, báo, tài liệu phong phú để phục vụ nhu cầu đọc sách, học tập, cập nhật thông tin, kiến thức của đoàn viên, người lao động. Tiêu biểu như tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, hiện có 3 nhà máy tại Việt Nam với hơn 21.000 công nhân lao động, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp hiệu quả với chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đoàn viên, người lao động. Trong đó, chú trọng đến việc việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động.

Nhân lên những “Tủ sách Công đoàn”
Sau giờ làm việc, nhiều người lao động dành thời gian đọc sách, báo tại thư viện do doanh nghiệp xây dựng. Ảnh: Mai Quý

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Nguyễn Anh Ngọc cho biết: “Ban Chấp hành Công đoàn và Phòng Hành chính nhân sự của Công ty đã đầu tư xây dựng thư viện để phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của cán bộ, công nhân viên. Hiện mỗi nhà máy đều được đầu tư xây dựng một thư viện với hơn 7.360 đầu sách, báo. Trong thư viện, chúng tôi đã đặt một góc mang tên “Góc báo Công đoàn”, tại đây, có các loại báo của hệ thống Công đoàn Việt Nam; sách liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Sổ tay cán bộ Công đoàn… Hằng ngày, tranh thủ thời gian giờ nghỉ trưa, sau khi tan ca, người lao động thường tới thư viện để đọc sách, báo qua đó cập nhật được những thông tin mới nhất liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của mình”.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, các cấp công đoàn Thủ đô đang khai thác, quản lý hiệu quả 339 Tủ sách pháp luật tại 92 Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, 55 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trên 1.000 tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp. Hằng năm, các cấp Công đoàn Thủ đô bổ sung trên 234.000 tài liệu tuyên truyền, tờ gấp các loại, tuyên truyền tư vấn pháp luật, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật phòng chống HIV/AIDS, sách, báo của Công đoàn… cho các Tủ sách pháp luật.

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động đối với việc đọc sách để cập nhật kiến thức phục vụ lao động sản xuất và cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, LĐLĐ thành phố Hà Nội chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát, đăng ký, triển khai xây dựng mới, sửa sang, trang trí “Tủ sách Công đoàn” với mục tiêu 100% Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên địa bàn đều có Tủ sách phục vụ công nhân lao động. Riêng trong năm 2023, thành lập mới 10 “Tủ sách Công đoàn” tại các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân chưa có tủ sách với chi phí đầu tư ban đầu là 10 triệu đồng/Tủ sách.

Các “Tủ sách Công đoàn” bao gồm các đầu sách dành cho cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động, gồm: Sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; tuyên truyền các chế độ chính sách; các báo thuộc hệ thống Công đoàn: Báo Lao động, báo Lao động Thủ đô; Tạp chí Lao động Công đoàn; Ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền của tổ chức Công đoàn phát hành; Sách văn học, giải trí… Thông qua đó, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho đoàn viên, người lao động.

Ngoài ra, trong năm 2023, LĐLĐ thành phố Hà Nội dự kiến tiếp tục thành lập 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân theo các mô hình: Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị, doanh nghiệp; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các Khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp tập trung; Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại khu dân cư. Để thực hiện được điều đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; đề xuất xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện cần thiết nhằm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. LĐLĐ thành phố Hà Nội khuyến khích Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn kinh phí do doanh nghiệp hoặc địa phương hỗ trợ để xây dựng và duy trì hoạt động các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết