Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người cao tuổi có được ký hợp đồng lao động?

Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Trao đổi qua chuyên mục Tư vấn của báo Lao động Thủ đô, chị Nguyễn Minh Thư, (quận Hà Đông Hà Nội) đưa ra tình huống thực tế: Trường mầm non tư thục do gia đình quản lý đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên nuôi dưỡng, trong số các đơn ứng tuyển, chúng tôi đánh giá rất cao một lao động nữ giàu kinh nghiệm và có chuyên môn, nhưng người lao động này đã 56 tuổi và vừa mới về hưu. Vậy trường có thể tuyển dụng, ký kết hợp đồng với người lao động cao tuổi hay không? Quyền và nghĩa vụ của người lao động cao tuổi có gì khác với người lao động bình thường không?

Người cao tuổi có được ký hợp đồng lao động?
Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe.

Vấn đề chị Nguyễn Minh Thư hỏi được chuyên gia của Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội giải đáp:

Theo đó, Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, quy định về độ tuổi nghỉ hưu như sau:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Theo đó, năm 2023, lao động nữ về hưu ở tuổi 56.

Về người lao động cao tuổi, được quy định tại Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019, như sau: Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Theo đó, những người tiếp tục đi làm sau độ tuổi nghỉ hưu nêu trên là người lao động cao tuổi. Ở trường hợp chị hỏi, người lao động 56 tuổi, về hưu năm 2023 được coi là người lao động cao tuổi. Người lao động cao tuổi được quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động rút ngắn thời gian làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Về việc có được ký hợp đồng với người lao động cao tuổi hay không, theo Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định như sau:

Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Theo đó, việc sử dụng người lao động cao tuổi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi sử dụng người lao động cao tuổi cần lưu ý các vấn đề sau:

- Thứ nhất, người sử dụng lao động được phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần. Đối với người lao động thông thường, chỉ được phép giao kết tối đa 2 lần đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.

- Thứ hai, trong trường hợp không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người đó. Trong trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (theo quy định tại Điều 30 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

- Thứ ba, có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc

- Thứ tư, phải đóng bảo hiểm cho người lao động cao tuổi chưa hưởng lương hưu hằng tháng mà đang làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên.

- Thứ năm, đối với người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019).

- Thứ sáu, khi yêu cầu người lao động cao tuổi làm thêm giờ, cần đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, quyền và nghĩa vụ của người lao động cao tuổi vẫn giống với người lao động bình thường, tuy nhiên sẽ có những chính sách, ưu đãi riêng để phù hợp với điều kiện độ tuổi và sức khỏe của người lao động cao tuổi. Đối với trường Mầm non tư thục nêu trên muốn tuyển dụng người lao động cao tuổi vào làm việc thì cần chú ý đến quyền, nghĩa vụ và các nguyên tắc sử dụng người lao động cao tuổi để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...