Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghĩa tình và trách nhiệm

Mặc dù chịu nhiều đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, song những hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin huyện Krông Búk luôn nỗ lực vượt lên nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương về nghị lực, đức hy sinh.

Nghĩa tình... cùng cảnh ngộ

Cùng với ông Ngô Hồng Phái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk và cán bộ hội, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chu Thanh Bình (tổ dân phố 6, thị trấn Pơng Drang). Căn nhà nhỏ, ngăn nắp, bàn ghế được xếp gọn hết qua một bên của phòng khách tạo ra khoảng trống chỉ để một chiếc ghế.

Mang trên mình vết thương và bệnh tật từ chiến tranh, thêm những biến chứng của căn bệnh tiểu đường khiến những năm tháng “về chiều” của ông Bình phải sống trong "bóng tối". Nghe tiếng mọi người nói chuyện, ông Bình men theo bức tường của căn nhà, hai tay mò mẫm lần tìm đến chiếc ghế quen thuộc ở phòng khách. Ông hồ hởi chào hỏi: “Ông Phái lại đến thăm tôi à? Ông đã khỏe chưa? Mấy đứa nhỏ ở nhà thế nào?…”. Buổi gặp gỡ của những thương binh “da cam” thật đơn giản, chỉ xoay quanh câu chuyện sức khỏe và động viên nhau bằng những cái nắm tay siết chặt.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Búk đến thăm gia đình hội viên ở thị trấn Pơng Drang. Ảnh: H.Anh

Còn ông Trần Đức Việt (tổ dân phố 16, thị trấn Pơng Drang) và con trai (anh T.V.V.) đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ông Việt kể, năm 1975, khi cùng với đồng đội ở Trung đoàn 271 (Quân khu 4) tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, ông bị bắn vào lưng, vết đạn xuyên qua phổi. Ông rời quân ngũ trở về quê hương Hà Tĩnh để điều trị. Đến năm 1990, ông Việt đưa gia đình vào Đắk Lắk sinh sống. “Thương tật, bệnh tật không làm bản thân đau đớn, song tôi rất đau lòng với nỗi đau của đứa con trai. Ở quê hương mới, gặp được những người cùng cảnh ngộ, không chỉ động viên nhau mỗi khi bệnh tật lúc trái gió trở trời, chúng tôi luôn đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhà nào tạm bợ thì Hội NNCĐDC/dioxin huyện giúp xây nhà, ai chưa có kinh tế vững vàng thì hỗ trợ sinh kế. Năm 2021, con trai tôi cũng được Hội trao một con bò sinh sản, cháu phấn khởi lắm”, ông Việt tâm sự.

 

Từ năm 2022 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Búk đã vận động hơn 250 triệu đồng để thăm, hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho các hội viên, nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn.

Hiện, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk có 45 hội viên, trong đó có 35 trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp. Nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin của Hội tuy chưa nhiều nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, đã góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều nạn nhân và gia đình NNCĐDC để họ thấy không lẻ loi, đơn độc trong cuộc sống.

Còn hoài những trăn trở…

Hơn 70 tuổi ông Ngô Hồng Phái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk vẫn chưa thể nào “trút” được gánh nặng trong lòng mình.

Cũng như những hội viên khác, ông Phái mang trong mình căn bệnh của chiến tranh. Vậy nhưng, một vai, ông cùng vợ chăm sóc hai người con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam không thể đi lại được; vai khác, ông Phái nỗ lực mang niềm tin đến với những hội viên, NNCĐDC trên địa bàn huyện Krông Búk. Bận rộn là thế nhưng chưa có lúc nào người thân hay bà con hàng xóm thấy ông than phiền. Giữa năm 2022, một cơn tai biến "thập tử nhất sinh" ập đến khiến ông nằm liệt giường; gia đình dường như đã chuẩn bị tinh thần để đón tin dữ. Song, bằng nghị lực, ông Phái đã kiên cường chống lại bệnh tật. Dù ảnh hưởng của trận tai biến khiến bước chân của ông Phái đi khập khiễng, khó khăn, thế nhưng ông vẫn luôn lạc quan. “Hoàn cảnh của tôi cũng chưa thể nào so sánh được với những mảnh đời khác. Cho dù là một phút trong vai trò Chủ tịch Hội, tôi cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình”, ông Phái nói.

Tặng bò sinh sản cho các hội viên, nạn nhân chất độc da cam là một trong những hoạt động hỗ trợ sinh kế của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Búk. Ảnh: H.Anh

Đến nay, cũng đã 15 năm gắn bó với Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk, ông Phái dành tâm huyết giúp đỡ các NNCĐDC cùng vươn lên thoát đói nghèo, xóa nhà tạm bợ. Không chỉ vậy, đối với những hội viên, NNCĐDC đau ốm nặng, phải nhập viện hoặc chuyển tuyến… Hội NNCĐDC/dioxin huyện sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí xe cứu thương chuyển tuyến hoặc vé xe khách, vé máy bay. “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là các ngành chức năng liên quan có thể xem xét về việc trợ giúp đối với gia đình có từ hai người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bởi theo quy định, chế độ trợ giúp hằng tháng sẽ là 200 nghìn đồng/hộ (gia đình có hai người không tự phục vụ được); 300 nghìn đồng/hộ (gia đình có ba người không tự phục vụ được)… Điều này được thực hiện theo Quyết định số 16/2004/QĐ-TTg, ngày 5/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Số tiền này so với thời điểm đó là lớn, song đến nay chỉ đủ cho họ trang trải 2 - 3 bữa cơm...”, ông Phái trăn trở.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết