Ngăn chặn “bà hỏa” tại các làng nghề
Các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, những nguy cơ an toàn cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, làng nghề vẫn luôn là “bài toán khó” với các cơ quan chức năng.
Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn
Làng nghề vốn là nơi gắn liền các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mang tính chất gia đình nằm xen lẫn khu dân cư. Hiện nay các làng nghề đã phát triển cả về số lượng và loại ngành nghề, tuy nhiên, chỉ tập trung vào các ngành chính như chế biến lương thực, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, hàng tiêu dùng. Có một thực tế là các ngành nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có tính chất cháy nổ cao như dệt may, mây tre đan, đồ gỗ chiếm tỷ lệ khá lớn.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCC tại làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. |
Tại nhiều làng nghề ở Hà Nội, phần lớn các nhà xưởng, kho bãi đều được làm bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh. Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Tuy nhiên, nhiều nơi không có hệ thống báo cháy. Đáng nói, các nhà kho, nhà xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu “chuồng cọp” và chỉ có một lối thoát duy nhất. Điều này cho thấy, tình trạng coi thường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như nhiều nguy cơ tiềm ẩn tại các nhà xưởng, đặc biệt là các nhà xưởng nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc vẫn hiện hữu và bị xem nhẹ.
Những năm gần đây, tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội cũng đã có nhiều vụ cháy, nổ xảy ra. Đơn cử, mới đây nhất, vào tháng 12/2021 tại thôn Giữa, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đã xảy ra 1 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ kiện nội thất. Địa điểm xảy ra là khu làng nghề sản xuất kết hợp cơ sở kinh doanh đồ gỗ và nhà dân. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, nhanh chóng triển khai các biện pháp và dập tắt được đám cháy trong thời gian ngắn.
Để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, giảm thiệt hại tối đa khi xảy ra cháy thì việc nghiên cứu, nhân rộng mô hình phù hợp thực tế cơ sở là rất cần thiết. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC cho các tầng lớp nhân dân, nhất là kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ quy định về PCCC đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý… |
Rất may vụ việc không có thiệt hại về người. Trước đó, trong năm 2020, tại làng nghề gỗ Liên Hà (huyện Đan Phượng) cũng đã xảy cháy. Lửa lớn đã bất ngờ bùng phát, bao trùm lên 3 nhà xưởng với diện tích trên 1.000m2; do các xưởng này đều chứa gỗ nên lửa bén rất nhanh và mạnh. Xa hơn nữa, chắc nhiều người vẫn chưa thể quên vụ cháy nổ kinh hoàng tại xưởng sản xuất bánh kẹo nằm ven quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức), vụ cháy kinh hoàng ngày 29/7/2017 tại nhà xưởng rộng 170m2 đã khiến 8 công nhân đang làm việc thiệt mạng…
Nhân rộng mô hình phòng, cháy hiệu quả
Có thể thấy, những năm qua, công tác PCCC tại các làng nghề đã có những chuyển biến rõ rệt và được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Theo đó, các địa phương cũng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác phòng, chống cháy nổ. Ví dụ, tại huyện Thường Tín là nơi có nhiều làng nghề sản xuất hàng hoá dễ cháy nổ như: chăn, ga, gối, đệm, chế biến gỗ, nghề sơn mài, mây tre đan và có 3 chợ lớn: chợ Vồi, chợ Tía và chợ Đỗ Xá nơi giao thương hàng hóa lớn… Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc sử dụng điện bất cẩn là yếu tố tiềm ẩn, dễ dẫn đến các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản. Tính trong năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 45 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản không đáng kể, nguyên nhân các vụ hỏa hoạn chủ yếu do bất cẩn trong quá trình sử dụng điện. Riêng tại xã Tiền Phong (huyện Thường Tín), thống kê trong năm 2021, tại xã chỉ xảy ra 2 sự cố cháy nhỏ do chập điện, lực lượng công an xã, dân phòng và người dân đã kịp thời chữa cháy tại chỗ nên không có thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản không đáng kể. Quá trình sản xuất tại làng nghề luôn tiềm ẩn hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong quá trình kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại các hộ kinh doanh của xã Tiền Phong, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an huyện Thường Tín cho biết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC. Tuy nhiên, việc sắp xếp hàng hóa của một số hộ còn chưa được gọn gàng, gây cản trở lối thoát nạn. Ngoài ra, máy móc, trang thiết bị cần phải được bảo dưỡng định kỳ. Khi sử dụng thiết bị điện phải để mắt tới khoảng cách hàng hóa và phải tuyệt đối tuân thủ khoảng cách chống cháy lan. Trung tá Nguyễn Hoàng Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín, cho biết, hằng năm, Đội phối hợp với các cơ sở tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện an toàn phòng chống cháy nổ cho người đứng đầu cơ sở sản xuất kinh doanh. “Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trên địa bàn; xử lý nghiêm với các vi phạm. Qua đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề”, Trung tá Nguyễn Hoàng Thành nhấn mạnh.
Công tác PCCC tại làng nghề luôn là “bài toán khó” với các cơ quan chức năng. Ảnh: K.Tiến |
Tương tự, tại Thạch Thất cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) là nơi tập trung nhiều nhà xưởng sản xuất đồ gỗ và cơ khí, với nhiều vật liệu dễ cháy; trung bình hằng năm ở xã xảy ra từ 6 đến 10 vụ cháy lớn, nhỏ. Trước tình trạng đó, Công an huyện Thạch Thất đã ra mắt Đội PCCC&CNCH lưu động tại làng nghề xã Hữu Bằng. Tham gia đội có hơn 120 thành viên. Đội cũng được trang bị 3 xe cứu hỏa tự chế với đầy đủ tính năng máy bơm cao áp, vòi rồng, thang… Việc chính thức thành lập tổ chữa cháy lưu động giúp bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, giảm thiệt hại tối đa khi xảy ra cháy thì việc nghiên cứu, nhân rộng mô hình phù hợp thực tế cơ sở là rất cần thiết. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC cho các tầng lớp nhân dân, nhất là kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ quy định về PCCC đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong công tác PCCC để bảo đảm tài sản, tính mạng của chính mình, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng sống cho người dân.