Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lắng nghe tiếng nói trực tiếp của người lao động

Trước thềm Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” diễn ra chiều nay (28/7), đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chia sẻ với báo chí về những kỳ vọng của đội ngũ cán bộ Công đoàn và công nhân lao động Thủ đô đối với Diễn đàn.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2023 là năm đầu tiên Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức Diễn đàn người lao động. Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động này?

Đồng chí Lê Đình Hùng: Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra chiều nay là niềm vinh dự rất lớn của tổ chức Công đoàn và người lao động. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với công nhân lao động - đối tượng trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Luôn đồng hành với sự phát triển của các cơ quan, đơn vị
Đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Diễn đàn là cơ hội để tổ chức Công đoàn, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng nói từ cơ sở.

Thực tế cho thấy, các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người lao động là rất đúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn có những doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của pháp luật, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động không được đảm bảo.

Đơn cử như về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, có những doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội khiến cho người lao động khi nghỉ việc, không may bị tai nạn lao động hay khi sinh con không được hưởng chế độ bảo hiểm.

Phóng viên: Trước thực trạng có những doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật, tổ chức Công đoàn đã làm gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Đình Hùng: Tổ chức Công đoàn có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đẩy mạnh thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp để người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi cao hơn so với quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành liên quan để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp. Từ đó kịp thời phát hiện, đề nghị doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật để quyền lợi của người lao động được đảm bảo.

Đặc biệt, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, sau đó đã có hàng trăm doanh nghiệp tự giác nộp đủ bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, người lao động được đảm bảo quyền lợi, chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Phóng viên: Thông qua Diễn đàn người lao động năm 2023, đồng chí có những kiến nghị, đề xuất gì để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động?

Đồng chí Lê Đình Hùng: Thông qua Diễn đàn người lao động năm 2023, tôi mong muốn khi xây dựng, sửa đổi các bộ luật liên quan đến người lao động cần có sự nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu của người lao động, nhất là nhu cầu về nhà ở; khi triển khai các bộ luật cần giao cho cơ quan quản lý Nhà nước giám sát việc thực hiện.

Tôi cũng mong muốn rằng, qua Diễn đàn này, Quốc hội sẽ lắng nghe trực tiếp ý kiến của công nhân lao động để từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Diễn đàn người lao động năm 2023 là sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội, được hai cơ quan phối hợp tổ chức lần đầu tiên vào chiều nay (28/7) tại Phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Chủ trì diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cùng chủ trì có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đoàn đại biểu LĐLĐ thành phố Hà Nội tham dự Diễn đàn có 28 đại biểu là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động - đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết