Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi thông chính sách, thúc đẩy kinh tế cho đồng bào dân tộc miền núi Hà Giang

Nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho bà con, tỉnh luôn ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, giúp nông sản đặc trưng tiếp cận thị trường.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Giang để hiểu hơn về các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, nhằm góp phần nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. 

PV: Thưa ông, Hà Giang là tỉnh miền núi với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Vũ Văn Hiếu: Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc, được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện tự nhiên phong phú, môi trường sạch và đa dạng các tiểu vùng khí hậu. Những đặc điểm này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi bản địa chất lượng cao, có sức sinh trưởng tốt và mang giá trị kinh tế lớn. Các sản phẩm như cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, hay dược liệu đã được người dân canh tác lâu đời, kết hợp với kiến thức bản địa quý giá trong việc nuôi trồng.

Ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Giang. Ảnh: Đỗ Nga

Ông Vũ Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Giang. Ảnh: Đỗ Nga

Bên cạnh đó, người dân Hà Giang cần cù, thông minh, sáng tạo và sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, định hướng chiến lược và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mang lại bộ mặt khang trang cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại Hà Giang cũng đối mặt với nhiều khó khăn như hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế, bao gồm giao thông, thủy lợi, chế biến và thông tin, chưa thể sánh ngang với các tỉnh lân cận; Nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản.

Bên cạnh đó, do địa hình hiểm trở và khoảng cách xa các trung tâm kinh tế lớn, việc tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, tỉnh đang phải tìm cách tiếp cận thị trường theo hướng mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương.

PV: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã triển khai những chính sách hay dự án gì để mở rộng các vùng trồng trọt, đặc biệt là với các nông sản đặc trưng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn?

Ông Vũ Văn Hiếu: Hà Giang có 19 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 87%. Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều định hướng, quy hoạch và chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia trong đó nổi bật là Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các thôn, tổ dân phố. Qua gần 4 năm triển khai, có thể nhận thấy các dự án, tiểu dự án được triển khai thực hiện và phân bổ đến các đơn vị, địa phương đã giải quyết được các nhu cầu thiết yếu nhất của người dân.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của Hà Giang được khách trong và ngoài nước yêu thích. Ảnh: Bình Nguyên

Nhiều sản phẩm đặc trưng của Hà Giang được khách trong và ngoài nước yêu thích. Ảnh: Bình Nguyên

Tỉnh cũng ban hành các chính sách đặc thù, như hỗ trợ cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, và nâng cao chất lượng cây cam sành, nhằm tăng giá trị kinh tế. Các chính sách này đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực từ người dân. Nhờ đó, các sản phẩm chủ lực như cam sành, chè shan tuyết, hay mật ong bạc hà đã được chuẩn hóa, gắn với thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng, tạo nền tảng để cạnh tranh trên thị trường, đồng thời, tạo công ăn việc làm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

PV: Bên cạnh việc chú trọng đến tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản, khơi thông đầu ra sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là Sở Công Thương như thế nào nhằm xúc tiến hiệu quả nông sản trên địa bàn?

Ông Vũ Văn Hiếu: Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại tại Hà Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai bài bản, trong đó Sở Công Thương đóng vai trò chủ chốt. Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất, chúng tôi tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quy chuẩn. Thứ hai, tỉnh đã phát triển các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ. Thứ ba, chúng tôi đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm đặc trưng như cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, và dược liệu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, như tổ chức hội chợ, gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, và quảng bá trên sàn thương mại điện tử, đã giúp nông sản Hà Giang tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh hiệu quả hơn.

PV: Thời gian tới, Sở sẽ triển khai những nhóm giải pháp nào và có kiến nghị gì để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại Hà Giang, đặc biệt, qua đó thúc đẩy và nâng cao đời sống cho bà con vùng cao Hà Giang?

Ông Vũ Văn Hiếu: Để phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tới, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể. Trước hết, tỉnh tiếp tục triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó có năm quy hoạch chuyên đề về nông nghiệp. Các đề án, kế hoạch và nghị quyết được xây dựng để định hướng phát triển từng loại cây trồng, vật nuôi và khu vực nông thôn cụ thể.

Tỉnh cũng đang dự thảo các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Giang, như hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển sản phẩm xanh và kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi đề xuất Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, và chế biến; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; và tạo điều kiện để Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, giúp nông sản đặc trưng tiếp cận thị trường quốc tế.

PV: Với kế hoạch sáp nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang sắp tới, Sở đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nông nghiệp sau sáp nhập, và đã có những kế hoạch gì để thúc đẩy lĩnh vực này?

Ông Vũ Văn Hiếu: Việc sáp nhập Hà Giang và Tuyên Quang mở ra nhiều tiềm năng lớn cho phát triển nông nghiệp. Thứ nhất, không gian phát triển nông nghiệp được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Thứ hai, hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng về cây trồng, vật nuôi chủ lực như cam, chè, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc và thủy sản, giúp dễ dàng xây dựng chuỗi giá trị liên kết. Thứ ba, diện tích rừng tự nhiên liền kề giữa hai tỉnh sẽ hỗ trợ tốt cho việc bảo vệ và phát triển lâm nghiệp.

Đặc biệt, Hà Giang và Tuyên Quang đều có các nhà máy chế biến lâm sản và vùng nguyên liệu dồi dào, tạo lợi thế lớn sau sáp nhập. Hai Sở Nông nghiệp đã phối hợp để tham mưu cho tỉnh về các quy định, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho quản lý nông nghiệp và môi trường. Chúng tôi cũng tập trung kêu gọi đầu tư vào các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu, đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của tỉnh để đảm bảo vận hành hiệu quả sau sáp nhập.

PV: Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...