Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng sạch

Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ các giải pháp nhằm tái cơ cấu lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới, trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh.

Cụ thể, đổi mới cơ chế, chính sách về phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững, đặc biệt là cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng kết nối khu vực. Phát triển hệ thống tích trữ năng lượng. Chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài.

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh và hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bảo đảm an ninh năng lượng. Khuyến khích tiêu thụ năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông. Nghiên cứu, ban hành các hướng dẫn, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới như khí hydrogen, địa nhiệt, năng lượng điện khí…

Rà soát, đổi mới chính sách quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao. Từng bước chuyển dịch từ cơ chế “tự nguyện” sang “bắt buộc” về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) theo hướng đối với một số lĩnh vực như sản xuất công nghiệp; thương mại, dịch vụ; giao thông; nông nghiệp; bổ sung các quy định pháp lý thúc đẩy loại hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) phát triển.

Khuyến khích tiêu thụ năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch năng lượng quốc gia theo Luật Quy hoạch gồm quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách điều hành giá các mặt hàng năng lượng (điện, than, xăng dầu) trong nước theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có mức lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năng lượng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Số hóa các hoạt động tiếp cận năng lượng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng; các hoạt động quản lý, vận hành hệ thống năng lượng.

Riêng đối với ngành điện: nghiên cứu, ban hành cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện, các chính sách về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ban hành các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng và phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà, đặc biệt các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100kWp trở lên phải lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển từ xa, kết nối với hệ thống điều độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để các chủ đầu tư phối hợp vận hành hệ thống điện.

Hoàn thiện các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, công tác giao nhận tài sản các công trình điện.

Nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế cho phép các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100kWp trở lên được kết nối với hệ thống điện và giám sát từ xa.

Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện.

Ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...