Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa Bình: Hoạt động khuyến công tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương

Hoạt động khuyến công ở Hòa Bình đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, tạo việc làm bền vững.

Tạo việc làm cho lao động địa phương

Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận và hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Hòa Bình: Hoạt động khuyến công tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình nghiệm thu Đề án khuyến công quốc gia năm 2023 tại TP. Hòa Bình

Ông Hà Tuấn Thành, xưởng Cơ khí Hà Thành (tổ 1, phường Dân Chủ, TP. Hòa Bình) chia sẻ: “Nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đầu năm nay, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền cán tôn của Nhật Bản hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đó, có nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường, được khách hành đón nhận. Hiện xưởng cơ khí của tôi có 3 lao động thường xuyên và khoảng 5 lao động thời vụ với mức lương trung bình từ 7 – 9 triệu đồng/tháng”.

Tương tự, anh Dương Văn Lịu, xưởng cán tôn Dương Lịu (xóm Đỉnh Cun, xã Thu phong, huyện Cao Phong) cho biết: “Tôi theo nghề làm tôn, nhôm kính đã 10 năm nay. Nhờ được địa phương tuyên truyền, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, mở rộng thị trường, tôi đã đầu tư mở xưởng cán tôn, xây dựng hệ thống sản xuất tôn, nhôm kính… tạo nhiều sản phẩm phù hợp với thị trường địa phương cũng như các tỉnh, thành phố lân cận”.

Theo anh Lịu, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, các sản phẩm tôn, nhôm kính của xưởng đã được “phủ sóng” tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh Hòa Bình, khẳng định được thương hiệu, giá trị sản phẩm trên thị trường. Hiện xưởng tôn của anh Lịu đang tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Hòa Bình: Hoạt động khuyến công tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Hoạt động khuyến công ở Hòa Bình góp phần thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, tạo nhiều việc làm cho người lao động

Khuyến công có trọng tâm, trọng điểm

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình, trong năm 2023, chương trình khuyến công tỉnh Hòa Bình tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.

Cụ thể, đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho các cơ sở công nghiệp nông thôn làm ăn có hiệu quả, sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động; hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên, nhiên liệu, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên…

Hòa Bình: Hoạt động khuyến công tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Nhiều lao động nông thôn tại Hòa Bình có việc làm nhờ hoạt động khuyến công có hiệu quả

Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh giao kinh phí khuyến công địa phương 630 triệu đồng thực hiện các đề án: "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến cá” đối với 1 cơ sở tại TP. Hòa Bình; Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất tấm lợp tôn” cho 1 hộ kinh doanh tại huyện Tân Lạc; Đề án "Thông tin tuyên truyền hoạt động khuyến công” với kinh phí 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trung tâm được giao 2 đề án theo chương trình khuyến công quốc gia gồm: Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” cho 2 cơ sở tại TP. Hòa Bình và huyện Lương Sơn với tổng kinh phí trên 1,75 tỷ đồng; Đề án nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất dược liệu” cho 2 cơ sở tại TP. Hòa Bình và huyện Lương Sơn với tổng kinh phí thực hiện 1,27 tỷ đồng.

Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khu vực 1 (Cục Công Thương địa phương) triển khai thực hiện 3 đề án cho 7 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ 2,1 tỷ đồng. Hiện, việc triển khai thực hiện các đề án theo đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Hòa Bình: Hoạt động khuyến công tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hòa Bình ước đạt có khoảng 18.500 lao động được giải quyết việc làm

Mục tiêu của các đề án này tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao, có giá trị tăng cao, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ngành nghề được hỗ trợ đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hòa Bình luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từ đó, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị phân phối, người tiêu dùng, góp phần phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá hình ảnh địa phương.

Ông Bùi Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình thông tin: Hiện Hòa Bình đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận và hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hòa Bình ước đạt có khoảng 18.500 lao động được giải quyết nhu cầu việc làm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết