Gỡ “nút thắt” nhà ở công nhân
Thời gian qua đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc thực hiện các chính sách này còn có “độ vênh” giữa thực trạng nhà ở và nhu cầu của người lao động.
Ước mơ an cư của công nhân
Gần 18h chiều, anh Phan Tiến Đức (công nhân Công ty TNHH Motor Yamaha Việt Nam) trở về phòng trọ rộng khoảng hơn 12m2 của mình sau một ngày làm việc. Cái nắng đầu hè lên tới 38 - 40 độ khiến căn phòng chật chội càng thêm nóng nực, bí bách. Vừa lau những giọt mồ hôi trên trán, anh Đức kể, từ Tuyên Quang xuống Hà Nội tìm việc, hiện tại, anh đang thuê trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long với giá khoảng hơn 1,3 triệu đồng. So với mức thu nhập, tiền chi cho việc thuê trọ đang vượt quá khả năng của anh. Theo anh Đức, không chỉ riêng anh mà có rất nhiều anh em khác trong Công ty cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này.
Hầu hết công nhân, lao động phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Ảnh: P.Ngân |
Rời quê hương ra Hà Nội lập nghiệp nhưng sau 10 năm làm việc, chị Vũ Thị Liên (công nhân Công Ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội) vẫn chưa có một nơi ở ổn định. Chị Liên tâm sự: “Làm việc tại Hà Nội đã lâu nhưng vợ chồng tôi chỉ mới tích cóp được chút ít vốn. Chúng tôi cố gắng làm thêm vài năm, khi có điều kiện sẽ về mua đất, xây nhà và làm việc tại quê để các con có chỗ ở, chỗ chơi rộng rãi chứ thuê phòng trọ chật chội, thiệt thòi cho các con, còn mua nhà ở Hà Nội thì vượt quá mức thu nhập của hai vợ chồng”.
Cùng chung nỗi niềm, chị Hoàng Thị Trang (công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam) cho hay: “Hàng tháng không tăng ca tiền lương và phụ cấp mỗi tháng của tôi được 7 - 8 triệu, tăng ca thu nhập 13 -14 triệu/tháng. Nếu chi tiêu trong mức lương cơ bản, không tăng ca thì người lao động phải tính toán kỹ, rất chật vật. Mỗi tháng tiền phòng trọ đã hơn 1 triệu đồng, chưa kể điện, nước, các khoản chi tiêu còn lại sẽ thiếu trước, hụt sau. Chỉ mong sao chúng tôi sớm được tiếp cận, hỗ trợ mua nhà ở dành cho công nhân để có nơi ở ổn định, yên tâm gắn bó với công việc”.
Thực tế, những hoàn cảnh như anh Đức, chị Liên hay chị Trang không phải là hiếm. Theo tìm hiểu, thu nhập của công nhân (bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ và các loại phụ cấp khác) trong khoảng từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng tùy ngành nghề. Với mức thu nhập này, nếu không được hỗ trợ từ gia đình và người thân, người lao động rất khó có đủ tiền để mua nhà ở xã hội. Nói cách khác, nếu không có sự hỗ trợ hay ưu đãi từ Nhà nước và doanh nghiệp nơi họ làm việc, giấc mơ an cư với người công nhân càng trở nên xa vời, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình này chưa đạt đúng kỳ vọng với mục tiêu đề ra. Chia sẻ tại Toạ đàm “Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, hiện nay việc xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang gặp những vướng mắc và trở ngại, đặc biệt về cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn vay ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; lãi suất vay xây nhà ở xã hội còn cao; tiếp cận quỹ đất khó; các chính sách đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, chưa sát thực tế nên không khuyến khích được chủ đầu tư…
Tại Hà Nội, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội được xây dựng, đi vào hoạt động từ rất lâu nên không có quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Hiện Hà Nội, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ chỉ đáp ứng được 13% nhu cầu của người lao động.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết thêm, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung; tiếp tục rà soát các quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đa dạng hóa các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người lao động và các thiết chế khác trong khu công nghiệp...
Trước “độ vênh” giữa thực trạng nhà ở và nhu cầu của người lao động, các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn đã và đang xúc tiến nhiều biện pháp để chăm lo nhà ở cho công nhân. Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, từ năm 2015 - 2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thiết chế Công đoàn (gồm nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại...) phục vụ công nhân khu công nghiệp. Chính phủ đã có quyết định giao Tổng LĐLĐ thực hiện 50 thiết chế Công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành giới thiệu địa điểm (quy mô 3-7ha) cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để bố trí xây dựng, tuy nhiên, còn một số vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh.
Phát triển nhà ở cho công nhân lao động nói chung, công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất nói riêng là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Để công nhân các khu công nghiệp được sớm tiếp cận với loại hình nhà ở này, cải thiện đời sống đòi hòi chính quyền, bộ, ngành cần sớm tháo gỡ những khó khăn về chính sách, quỹ đất, nguồn vốn, huy động nhiều nguồn lực... Tuy nhiên trước mắt, để công nhân không phải sống trong những ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, không đảm bảo về sức khỏe, môi trường, an ninh cần đầu tư cải tạo môi trường hạ tầng sinh sống ở nơi công nhân đang thuê trọ.