Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Động lực để tăng năng suất lao động

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động là vấn đề đang được quan tâm, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của hầu hết người lao động bị ảnh hưởng. Theo phương án được thông qua tại phiên họp gần đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, với mức đề xuất tăng 6% để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Để người lao động ổn định cuộc sống

Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần đây nhất là từ ngày 1/1/2020. Sau đó đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Ngọ Duy Hiểu cho rằng, sau 2 năm không tăng lương, cộng với dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã và đang khiến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động và gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn.

Động lực để tăng năng suất lao động
Tăng lương tối thiểu sẽ giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, lúc này cần phải tăng lương giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng lương cũng sẽ tạo động lực tăng năng suất lao động, giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh.

Tuy nhiên, sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia chốt mức đề xuất tăng lương và thời điểm tăng lương để trình Chính phủ, 8 Hiệp hội doanh nghiệp (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, các vấn đề như kiến nghị của 8 Hiệp hội trên nêu ra đã được Hội đồng tiền lương quốc gia đặt ra và thảo luận kỹ lưỡng ở cả hai phiên họp.

“Khác với trước đây, trong hai phiên thương lượng mức lương tối thiểu năm nay, ngoài việc thống nhất xác định mức tăng, Hội đồng tiền lương quốc gia còn phải thảo luận kỹ lưỡng để xác định thời điểm điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu”, ông Quảng cho biết.

Nếu để đến 1/1/2023, mức tăng phải không thấp hơn 9-10%

Lý giải vì sao Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất cao phương án điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, ông Lê Đình Quảng cho biết: Theo thông lệ cũng như theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương thì “Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia”.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Chính phủ quyết định chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2021 và mức lương tối thiểu hiện đang đươc thực hiện theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến nay.

Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 trong năm 2022 để thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp. Sau khi thảo luận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6% từ ngày 1/7/2022, tùy thuộc từng vùng.

Cụ thể: Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; Vùng 3 tăng 210.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2022 thay vì từ ngày 1/1/2023 như thông lệ.

Do đó, thời gian áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sẽ kéo dài hơn đến 6 tháng là 18 tháng so với 12 tháng (trong một năm) như các năm trước.

“Trong bối cảnh đời sống của người lao động gặp vô vàn khó khăn do tiền lương, thu nhập liên tục bị giảm sút, giá cả tiêu dùng (nhất là những tháng đầu năm 2022) tăng cao. Vì vậy việc điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/7/2022 sau 1 năm 6 tháng “lùi” không điều chỉnh là giới hạn mà người lao động có thể chịu được để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Việc xác định thời điểm điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu còn phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với mức tăng. Vì thống nhất xác định điều chỉnh từ ngày 1/7/2022 thì mức đề xuất tăng mới là 6%, còn nếu để đến 1/1/2023, thì mức tăng phải khác, không thấp hơn 9-10%, và lúc đó sẽ rất khó cho doanh nghiệp”, ông Quảng cho biết.

Ngoài ra việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 còn nhằm kịp thời thu hút lao động quay trở lại làm việc, phục hồi thị trường lao động, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay cho doanh nghiệp.

Ông Quảng cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chắc chắn cũng gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp, vì vậy chúng ta phải xem xét toàn diện, đánh giá tác động cả tích cực và tiêu cực để lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vừa để đảm bảo đời sống của người lao động, đồng thời vừa tạo động lực để người lao động làm việc với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả làm việc cao hơn, gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.

Như vậy, mức sống tối thiểu là căn cứ rất quan trọng để thương lượng tiền lương tối thiểu. Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương quy định “cơ quan Thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hàng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng, chính sách tiền lương”.

Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng cho hay, từ khi Nghị quyết 27-NQ/TW được ban hành cho đến nay, cơ quan Thống kê của Nhà nước chưa một lần công bố mức sống tối thiểu, nên Tổng Liên đoàn Lao động tiếp tục đề nghị cần công bố thông tin này để giúp cho việc thương lượng tiền lương trong thời gian tới được thuận lợi.

Lương tăng, giá có tăng?

Chị Nguyễn Thị Tuyền, công nhân một Xí nghiệp in cho hay, thông tin được tăng lương tối thiểu vùng khiến người lao động như chị thấy rất vui. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui này, chị Tuyền cũng bày tỏ băn khoăn lo ngại khi lương tăng, liệu giá cả sinh hoạt có tăng theo. “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nếu doanh nghiệp tăng lương tối thiểu cho thêm được vài trăm ngàn đồng, mà giá cả tăng nhanh như giá xăng dầu thì rất đáng lo ngại”, chị Tuyền chia sẻ.

Đây là băn khoăn không chỉ với người lao động, mà cả với người sử dụng lao động. Vì khi tăng lương tối thiểu vùng, ngoài việc doanh nghiệp phải lo hạch toán chi phí để trả thêm lương cho người lao động, còn có nỗi lo chi phí sản xuất, chi phí sinh hoạt bị ảnh hưởng nếu giá cả sẽ nhân cơ hội tăng lương mà tăng theo.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo đời sống của người lao động thật sự được cải thiện khi điều chỉnh tăng lương, Nhà nước cần chú trọng kiểm soát lạm phát và bình ổn giá cả./.

Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...