Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh những hành vi tiêu dùng mới

Trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo.

Quy định cụ thể các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử

VCCI cho rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng cần được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng (NTD) và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với NTD.

Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của NTD mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Vì vậy, việc Dự thảo Luật quy định “có cơ chế, chính sách chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng” NTD dễ bị tổn thương chỉ trong việc “thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin” có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ và tạo lỗ hổng trong áp dụng quy định này.

Điều chỉnh những hành vi tiêu dùng mới
Việc sửa đổi Luật nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như tạo hành lang pháp lý phù hợp cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Phương Thảo

Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống.

Hoạt động giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh với NTD còn có nhiều đặc thù mà nếu không có quy định cụ thể hơn sẽ có thể dẫn đến việc vô tình vi phạm do các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định cụ thể về các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử trong giao dịch với các đối tượng yếu thế để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, VCCI cũng đề nghị sửa theo hướng bỏ các từ "bảo đảm thực hiện" bởi đây là trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với khách hàng là NTD dễ bị tổn thương (đã được quy định tại những luật chuyên ngành nói trên) nhằm tránh các cách hiểu khác nhau dẫn tới việc áp dụng pháp luật không chính xác.

Liên quan đến giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin của NTD là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch (cơ bản là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc các tài khoản cho phép thanh toán trực tuyến). Do đó, VCCI cho rằng, quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thu thập thông tin cá nhân của NTD phải thông báo trước bằng hình thức phù hợp và phải được người đó đồng ý” là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến. VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật cụm từ “trừ quy định tại khoản 4 Điều này” để bảo đảm tính chặt chẽ.

Xác định rõ về bảo đảm an toàn thông tin

Theo VCCI, quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của NTD đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo…” là bỏ sót các trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thông báo khi thu thập thông tin quy định tại khoản 4 Điều 9. Trường hợp sử dụng các thông tin này ngoài mục đích ban đầu (như thông tin để giao kết/thực hiện hợp đồng; thông tin để tính giá, cước…) thì sẽ không có quy định, tạo thành khoảng trống pháp lý. Vì vậy, cần bổ sung quy định cho các trường hợp này.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương soạn thảo có 7 chương, 80 Điều. Dự thảo đã nhận ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; và ý kiến đóng góp của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hàng trăm ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhiều cá nhân có liên quan. Dự kiến, trong thời gian tới, Hồ sơ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được gửi để thực hiện thủ tục thẩm định tại Bộ Tư pháp.

VCCI cho rằng, quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin theo Dự thảo Luật còn khá chung chung. Các yêu cầu như “phải có cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD”, “báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết…” không rõ trình tự, thủ tục, đối tượng báo cáo thì sẽ khó khả thi.

Quyền của NTD sẽ tương ứng với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn có một số nội dung chưa hợp lý, khả thi, cụ thể như quy định NTD có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật quy định nội dung gần tương tự cho phép NTD “góp ý kiến với tổ chức, cá nhân về giá cả, chất lượng...” nhưng không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với NTD, trước khi phải đứng ra làm một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự?

Để nâng cao việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, VCCI đề nghị quy định theo hướng tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với NTD lựa chọn cách giải quyết trong trường hợp có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác về các vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu NTD thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.

Trách nhiệm khi đưa tin sai sự thật

Theo VCCI, trong thực tế có một số trường hợp NTD lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của NTD khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, VCCI đề nghị bổ sung nghĩa vụ của NTD phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Về thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD do tổ chức xã hội khởi kiện, Dự thảo Luật quy định: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

VCCI đề nghị cân nhắc quy định này vì khi thông tin về vụ án dân sự trong đó cá nhân, tổ chức kinh doanh là bị đơn được công bố thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, nên việc yêu cầu bảo đảm “không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường” là không khả thi.

Trên thực tế đã có những vụ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn nhưng sau khi Toà án ra quyết định thắng kiện vẫn bị thiệt hại không nhỏ cả về danh tiếng và lợi ích kinh doanh. “Trong trường hợp này, thông tin trên báo chí, truyền thông chính là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng trên thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng hiện không có cơ chế nào để các cá nhân, tổ chức kinh doanh xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường”, VCCI nêu.

Vì những lý do trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn về trách nhiệm đưa thông tin về vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD và bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh./.

Phương Thảo
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...