Đề xuất chính sách phát triển giao thông công cộng trong Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa tổ chức cuộc họp chuyên đề “Rà soát, góp ý hoàn thiện các quy định về cơ chế huy động nguồn lực tài chính, đất đai; cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng”, nhằm đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự cuộc họp có đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, các thành viên Tổ nghiên cứu, soạn thảo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện một số Sở, ngành của thành phố Hà Nội.
Tại cuộc họp, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cơ quan thường trực tham mưu đề xuất nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) cho biết, trong thời gian vừa qua, Thành phố đã phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội thông qua, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, sửa đổi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã ban hành các quyết định về việc thành lập Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở đó, bộ phận thường trực của Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật đã xây dựng dự thảo lần thứ nhất Luật Thủ đô (sửa đổi).
Toàn cảnh cuộc họp. |
Dự thảo Luật đã được tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các chuyên gia, nhà khoa học; và đã được báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Dự thảo Luật được kết cấu với 6 chương, 53 điều gồm: Chương I: Quy định chung, gồm 6 Điều; Chương II: Tổ chức Chính quyền Thành phố Hà Nội, gồm 11 Điều; Chương III: Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, gồm 17 Điều; Chương IV: Chính sách tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, gồm 5 Điều; Chương V: Vùng Thủ đô, gồm 6 Điều; Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 8 Điều.
“Hội nghị được tổ chức nhằm xin ý kiến góp ý của các thành viên tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô, các đại biểu Thành phố về các điều khoản trong dự thảo Luật về các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị, nhà ở, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để phát triển các dự án TOD (Điều 18-20, Điều 27-32, Điều 37-39 của dự thảo Luật)”, ông Ngô Anh Tuấn nêu.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đã cho ý kiến về quy hoạch, quy hoạch đường sắt đô thị và các điểm dự kiến phát triển đô thị theo mô hình TOD, cơ chế đầu tư, cũng như các vấn đề về đất đai, góp vốn bằng quyền sử dụng đất,…
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã trình bày đề xuất dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ cho vùng lõi thành phố Hà Nội giai đoạn 2035 - 2050 kết hợp với chỉnh trang và phát triển đô thị hiệu quả theo mô hình TOD bằng nguồn lực trong nước kết hợp với công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam và Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cũng phát biểu quan điểm về vấn đề trên.
Đại diện Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội… đã trình bày ý kiến về cơ chế huy động nguồn lực tài chính, đất đai, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng.
Kết luận tại cuộc họp, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tư pháp tiếp thu toàn bộ nội dung cuộc họp để rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng lưu ý các Sở, ngành cần chú ý vấn đề liên quan đến đơn vị mình để tập hợp, củng cố các ý kiến liên quan, đồng thời, đơn vị chủ trì phải cùng biên tập, chắt lọc rồi chuyển lại cho bộ phận tổng hợp, Ban soạn thảo… với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết.