Để công nhân được thụ hưởng xứng đáng
Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, tích cực thi đua lao động - sản xuất để góp phần đưa đất nước ta thoát nghèo, trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Mặc dù được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, nhưng hiện tại sự thụ hưởng về vật chất, tinh thần của một bộ phận công nhân lao động chưa tương xứng với những đóng góp mà họ đã bỏ ra. Vì vậy, để giai cấp công nhân Việt Nam phát triển xứng đáng với “tầm vóc” hào hùng của lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước mạnh giàu cần tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn về vấn đề tiền lương, nhà ở, cơ chế tham gia cổ phần và các phúc lợi an sinh khác…
Từ những ví dụ điển hình...
Tốt nghiệp Trung học phổ thông, bỏ dở giấc mơ ngồi trên ghế giảng đường Đại học, chị Vũ Thị Hoa quyết định rời quê Ân Thi, Hưng Yên lên Hà Nội làm công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long). Từ đó đến nay, đã hơn 13 năm trôi qua, lúc nào đôi vai nhỏ bé của chị cũng bị đè nặng bởi những nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền.
Công nhân lao động đang không ngừng đóng góp công sức cho sự phát triển của doanh nghiệp (Ảnh: Mai Quý) |
Theo lời chị Hoa, mặc dù làm công nhân, thu nhập ổn định nhưng mức lương thấp, nhiều lúc không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi đã có gia đình. Hiện vợ chồng chị cùng 3 con nhỏ đang thuê ở một khu nhà trọ cấp 4, lợp mái fibroxi măng với tiện nghi sơ sài. Đặc biệt, trong hơn 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả các mặt hàng leo thang khiến cho cuộc sống của vợ chồng chị càng thêm khó khăn.
Chị Hoa nhẩm tính, tiền thuê phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt gia đình, chi phí cho con đi học… cũng hơn chục triệu/tháng. Trong khi, mức lương hiện tại của chị chỉ dao động từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, còn chồng chị, đi làm ngày nào, có lương ngày đấy, cũng chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ngày. “Từ đầu năm đến giờ, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng cao, chúng tôi vẫn duy trì mức chi tiêu 60 - 70 nghìn đồng để mua thực phẩm cho một bữa ăn, nhưng lượng thực phẩm ít hơn rất nhiều. Có những hôm con đi học ở trường, đến bữa, hai vợ chồng nhịn đói, hoặc chỉ ăn mì tôm cho qua bữa để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt”, chị Hoa tâm sự.
Cũng giống như hoàn cảnh của chị Hoa, chị Lê Thị Hồng Nhung, công nhân Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam chia sẻ, vợ chồng chị đang làm cùng công ty, mỗi tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 18 triệu đồng. Mức thu nhập này cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống của 2 vợ chồng và 3 con nhỏ, không có dư dả, tích lũy. “Nếu chẳng may ốm đau, không đi làm được, không có thu nhập thì biết lấy tiền đâu mà trang trải? Ngay như bây giờ, muốn sắm sửa cái gì có giá trị đều phải vay mượn người thân rồi đi làm trả dần. Trong cuộc sống sinh hoạt, nhất là trong cơn bão giá như hiện nay, vợ chồng cũng phải chi tiêu ăn uống chắt bóp để không phải vay mượn, nợ nần”, chị Nhung tâm sự.
Tâm sự với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hồng Thái, công nhân Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho biết, chị làm việc tại Matsuo Industries Việt Nam đến nay được thời gian khá dài, thế nhưng mức lương hiện tại của chị cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng tháng, không có nguồn tích lũy. Chị cũng lăn tăn trong trường hợp vợ, chồng, con cái ốm đau sẽ không có tiền chi phí cho các khoản phát sinh này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng chị Thái, thực tế, nhiều công nhân lao động cống hiến cho doanh nghiệp tại các thành phố lớn từ 5 - 7 năm nhưng tiền lương không đủ trang trải cho các chi phí sinh hoạt ở đô thị, không có nguồn tích lũy nên sau cơn bão Covid-19 vừa qua, không ít công nhân lao động đã về quê lập nghiệp. “Công nhân chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo sinh hoạt hằng tháng cho người lao động, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Khi cuộc sống của người lao động được đảm bảo thì chúng tôi sẽ cống hiến hết mình vì lợi ích của doanh nghiệp’’, chị Thái bày tỏ.
Cũng theo chị Thái, hiện nay, phần lớn người lao động ngoại tỉnh vẫn phải đi thuê trọ, đời sống tinh thần vẫn chưa được đáp ứng. Do đó, ngoài chế độ lương thưởng, phúc lợi, chị rất muốn doanh nghiệp kết hợp với Nhà nước có các chính sách ưu đãi về nhà ở cho công nhân lao động để ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ngoài ra, người lao động cũng mong muốn Nhà nước có chính sách xây dựng trường học dành cho con công nhân tại các khu công nghiệp; hỗ trợ học phí; trông trẻ thêm giờ để người lao động yên tâm làm việc; đồng thời có chính sách đào tạo tay nghề cho người lao động, đáp ứng được sự đổi thay của khoa học, công nghệ…
... Đến những con số thông kê sinh động
Thông tin tại Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh” diễn ra, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Tính toán từ số liệu thống kê cho thấy, dù công nhân lao động (CNLĐ) đóng góp rất lớn vào GDP, song thực tế có tới 66% CNLĐ đang thuê nhà trọ để ở. Trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% CNLĐ đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan.
Bữa ăn ca của người lao động tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam. (Ảnh: Mai Quý). |
TS. Vũ Minh Tiến cũng nêu nghịch lý khá phổ biến là mặc dù CNLĐ đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. CNLĐ ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 - 70 giờ/tháng, như ngành Dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ...
“Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của CNLĐ chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn. Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình”, TS. Vũ Minh Tiến chia sẻ.
Từ những dẫn cứ trên, ông Tiến nhấn mạnh quan điểm: CNLĐ phải được bảo đảm cuộc sống - sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống. Do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống của bản thân và gia đình. Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến thì mới động viên và yêu cầu người lao động làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo TS Vũ Minh Tiến, tiền lương của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ, hai chiều và biện chứng với sự ổn định của thị trường lao động, với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong đó, tiền lương với người lao động phải là yếu tố đi trước. Nhưng thực tiễn thực hiện thì công nhân có việc làm, cuộc sống bấp bênh từ hậu quả lương thấp.
Không chỉ mỗi tăng lương
Đồng thuận với quan điểm trên, TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết, qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, những vấn đề hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn, đó là: Người lao động có tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội chưa bảo đảm.
Bà Lan dẫn chứng: Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy: 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt, cá (chỉ khoảng 1 - 2 lần/tuần); 34% cho biết thỉnh thoảng có thịt, cá trong bữa ăn (3 lần/tuần); 41% cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản và không dám đi khám bệnh vì không có tiền. Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết hằng tháng phải vay tiền. 35,6% người lao động thỉnh thoảng (từ 3 đến 4 tháng/lần) phải đi vay. Hơn 21% số người được khảo sát cho biết họ từng rút bảo hiểm xã hội một lần...
Đầu tháng 4/2022, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp qua 2 phiên và thống nhất đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động mức 6%, từ ngày 1/7/2022; tức là thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu đồng; vùng 3 đạt 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng. |
"Ai cũng nói lao động là nguồn lực quý giá nhất của mọi doanh nghiệp. Vì thế, nhu cầu tăng lương của người lao động là cấp thiết và chính đáng." - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định.
Tại Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh” diễn ra ngày 26/4, hầu hết các chuyên gia và một số doanh nghiệp đều đồng thuận quan điểm không thể chần chừ, không nên lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022, bởi đây là khoản nằm trong dự tính chi phí mà doanh nghiệp có thể chi trả.
Tăng lương để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh giá cả leo thang là một trong những biện pháp cần, nhưng để “tăng lương cơ bản để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu” là cả một vấn đề. Bởi thế, về lâu dài, để giai cấp công thực sự trở thành lực lượng xã hội quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngoài các chính sách về đào tạo, tiền công, tiền lương, nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa như những gì Chính phủ đang triển khai, nên chăng các cấp sớm nghiên cứu, đề xuất chính sách góp vốn cho công nhân lao động trong doanh nghiệp.
Ví dụ như ngoài tiền đóng bảo hiểm, mỗi năm trích một phần kinh phí (có thể từ quỹ lương), ai có điều kiện thì mua tự nguyện để tham gia cổ phần trong công ty, đơn vị. Chính loại hình này không chỉ đưa công nhân là một trong những chủ thể của công ty mà còn giúp họ có thu nhập cao hơn (cổ tức) cũng như có tiền tích lũy khi về già. Muốn làm được điều này, lương, thu nhập phải cao hơn, đồng thời phải ghìm cương được mặt bằng giá cả./.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời cho doanh nghiệp Chúng tôi biết rằng, tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời cho doanh nghiệp bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn. Chúng ta cũng cần xác định, chăm lo cho người lao động không chỉ ở hiện tại mà còn cho thế hệ sau của họ. Nếu những trẻ em sinh ra và được nuôi dưỡng trong điều kiện thiếu dinh dưỡng, không được học hành đến nơi đến chốn, sẽ khiến đất nước phải gánh chịu hệ lụy rất lớn, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng xa. Hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có văn bản trình Chính phủ, trong đó có đề nghị Nghị định ban hành được xây dựng theo hướng rút gọn để đảm bảo thời gian nhanh nhất, giúp người lao động được hưởng lương từ 1/7/2022. Tôi tin tưởng rằng với thực tế đời sống của người lao động, thực tế doanh nghiệp đang hồi phục sản xuất, chúng tôi tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. ------------------------------ PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn: Giải quyết được vấn đề tiền lương mới ngăn chặn được chảy máu chất xám Chúng ta hãy đặt vào hoàn cảnh mức lương hằng tháng chỉ hơn 6 triệu đồng, lại phải lo cho 1-2 người ăn theo, trang trải cuộc sống của gia đình ở thành phố… Đời sống của CNLĐ đã chạm đáy và không thể thấp hơn nữa. Do đó, việc tăng lương tối thiểu trong lúc này là lương tâm, trách nhiệm của toàn xã hội. Nếu lúc này chúng ta không đề nghị tăng lương tối thiểu cho người lao động thì thật là có lỗi với công nhân lao động. Mỗi người hãy nói lên tiếng nói của mình để không còn ai phản đối tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 1/7/2022. Phải giải quyết được vấn đề tiền lương mới có thể ngăn chặn được vấn đề chảy máu chất xám. ------------------------------ TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Phải có tiền lương thỏa đáng cho người lao động Tiền lương và chính sách tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như doanh nghiệp. Cụ thể, tăng lương là tiền đề quan trọng để tăng năng suất lao động, vì nếu không tăng năng suất lao động, doanh nghiệp sẽ không có doanh thu cao, sẽ không cạnh tranh được trong môi trường quốc tế; và như vậy người lao động cũng không thể có lương cao. Từ bức tranh còn nhiều khó khăn của người lao động, đặc biệt những khó khăn do tác động của Covid-19, tình hình lạm phát hiện nay, việc tăng lương cho người lao động trong thời điểm hiện nay là vấn đề cấp bách. Bởi để có chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt. Muốn vậy chúng ta phải chăm sóc để người lao động có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ - và tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó. ------------------------------ Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội: Đồng bộ các thiết chế đi kèm Hiện nay, một bộ phận CNLĐ trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đa phần thu nhập của CNLĐ chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu, không có dư dả, tích lũy. Trong khi đó, CNLĐ thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ và họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp. Từ thực tế đó, để người lao động tiếp tục gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp và được thụ hưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra, theo tôi, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thiết chế Công đoàn tại các địa phương, nhất là ở Hà Nội, là khu vực có đông CNLĐ ngoại tỉnh đang sinh sống, làm việc. Trong đó, cần tập trung xây dựng các khu nhà ở dành cho CNLĐ; điểm vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao; cơ sở y tế; trường học dành cho con CNLĐ… |