Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân mong sớm tăng lương tối thiểu vùng

Thu nhập thấp, trong khi đó, chi phí sinh hoạt tăng khiến nhiều người lao động không khỏi lo lắng. Nhiều gia đình công nhân lao động đã phải co kéo chi tiêu, cắt giảm lượng thực phẩm hàng ngày để không bị thiếu hụt chi phí sinh hoạt. Để giảm áp lực kinh tế cho người lao động thì việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2024 là rất cần thiết.

Đời sống, việc làm còn nhiều khó khăn

Đã có 5 năm làm việc ở một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghiệp Thăng Long, thế nhưng, chưa khi nào, anh Nguyễn Duy Phương (quê Phú Thọ) thấy công ty rơi vào tình trạng khó khăn như thời điểm hiện tại. Theo anh Phương, thời gian gần đây, đơn hàng của công ty bị giảm nên công nhân hiếm khi được tăng ca. Trong khi đó, lương cơ bản của công ty khá thấp (khoảng 5,7 triệu đồng/tháng) nên vợ chồng anh gặp nhiều khó khăn vì thiếu chi phí sinh hoạt.

Công nhân mong sớm tăng lương tối thiểu vùng
Thu nhập thấp, công nhân lao động phải co kéo chi tiêu để không bị thiếu hụt chi phí sinh hoạt. Ảnh: Lương Hằng

Cũng chính bởi lẽ đó mà vợ chồng anh Phương đã phải tìm mọi cách xoay sở để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thay vì để con ở chung với bố mẹ tại phòng trọ, vợ chồng anh chọn cách gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. “Chi phí để nuôi 1 em bé ở Hà Nội mỗi tháng dao động từ 5 - 6 triệu đồng (chiếm khoảng 2/3 thu nhập của 2 vợ chồng) nên cách tốt nhất lúc này là gửi con về quê vì có ông bà hỗ trợ. Để tiết kiệm thì vợ chồng mình cũng tranh thủ mỗi khi về quê mang gạo, rau, thịt… lên chỗ trọ để không phải mua bên ngoài”- anh Phương chia sẻ.

Khó khăn hiện tại của anh Phương cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều gia đình công nhân lao động. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm (quê Thái Nguyên) đã làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long hàng chục năm. Theo chị Thơm, công việc tại công ty vất vả, song tiền lương của 2 vợ chồng cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình 4 người. Thời gian gần đây, thực phẩm tăng giá nên chị Thơm đã phải cắt giảm lượng thực phẩm hàng ngày. Cùng đó, 2 vợ chồng chị cũng bàn nhau xin làm trái ca để lo đưa đón con đi học, không phải thuê người đưa đón, từ đó tiết kiệm chi phí tối đa nhất có thể.

“Thời gian gần đây, thu nhập giảm do không được tăng ca nên vợ chồng tôi phải cân đối chi tiêu để lo sinh hoạt phí cho cả gia đình. Hiện tại với thu nhập của 2 vợ chồng muốn bỏ ra 1 khoản tiền tiết kiệm để phòng khi ốm đau bệnh tật là điều rất khó”.

Trường hợp của anh Phương, chị Thơm chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp người lao động trên địa bàn Thành phố đang gặp khó khăn do thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, không ít lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã phải rời bỏ công việc trở về quê vì không lo được chi phí ăn ở, sinh hoạt.

Kỳ vọng được tăng lương trong năm 2024

Đứng trước những khó khăn trên, khi biết thông tin Ban Chính sách Pháp luật & Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương để xem xét, đề xuất tăng lương trong thời gian tới, anh Nguyễn Duy Phương bày tỏ sự vui mừng: “Tôi rất mong tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng để hỗ trợ cho công nhân, người lao động trong lúc này. Ở công ty, thu nhập cao hay thấp đều phụ thuộc vào tiền trợ cấp hàng tháng và tiền tăng ca. Khi công ty khó khăn, không được tăng ca thì việc tăng tiền lương tối thiểu vùng sẽ giúp vợ chồng tôi giảm bớt gánh nặng”- anh Phương chia sẻ.

Bày tỏ nguyện vọng của mình, chị Thơm mong sẽ được tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới để những công nhân lao động như chị vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại. “Hiện nay, thu nhập của vợ chồng tôi rất thấp, trong khi đó chúng tôi còn nuôi 2 con đang tuổi ăn học và nhiều chi phí phát sinh khác. Nếu tình hình này kéo dài, cuộc sống của tôi và nhiều lao động khác sẽ chật vật hơn. Chúng tôi hy vọng mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng vào năm 2024 và kèm với đó, giá phòng trọ, thực phẩm không tăng thì người lao động mới sớm vượt qua khó khăn”, chị Thơm nói.

Cũng giống như anh Phương và chị Thơm, chị Lý Thị Lựu (hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Ryonan Electric Việt Nam) cho biết, chị là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Mới vào làm việc tại công ty được một thời gian ngắn nên mức thu nhập thấp của chị Lựu tương đối thấp (chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng). Do đó, chi phí sinh hoạt hàng tháng, tiền học và tiền bỉm sữa cho con mỗi tháng đang trở thành nỗi lo thường trực với người phụ nữ nhỏ bé như chị.

“Với công nhân chúng tôi, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ góp phần chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế trong thời gian tới. Tôi và nhiều lao động rất phấn khởi và mong muốn lương tối thiểu vùng sẽ tăng với mức hợp lý, đáp ứng sự kỳ vọng của người lao động”, chị Lý Thị Lựu chia sẻ.

Chia sẻ về mức lương tối thiểu vùng được thực hiện từ ngày 1/7/2022 đến nay, anh Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho hay: Mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 4.680.000 đồng chỉ cao hơn mức bên thuế đưa ra để giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc một chút (mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng) nên không đủ để thuê nhà, nuôi con ăn học. Ngoài ra, kể từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng thì các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống người lao động đều tăng. Ngoài ra, tới đây lại tăng giá điện có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cả (mặc dù Chính phủ giảm 2% thuế VAT), thì cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Vì thế, rất cần phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, mức tăng từ 6 – 8%.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài việc tăng lương tối thiểu vùng, nhiều công nhân lao động cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước có giải pháp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm mới, việc làm bền vững cho người lao động trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...