Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững

Tối 28/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu về bảo vệ tài nguyên biển và đại dương tại chương trình “Khát vọng đại dương xanh”.

Chương trình khẳng định vai trò to lớn của biển và đại dương đối với sự sinh tồn của con người và nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên, môi trường biển, đảo; khẳng định Việt Nam là quốc gia biển, với khát vọng thịnh vượng từ biển; thể hiện ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, giữ hòa bình cho biển.

Theo đó, nhiều phóng sự về tình yêu biển, đảo của người Việt Nam, tinh thần đoàn kết vươn ra biển lớn; quá trình nghiên cứu môi trường và sử dụng bền vững biển và đại dương được trình chiếu, đan xen các tiết mục văn nghệ ca ngợi tình yêu biển, đảo quê hương. Chương trình còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý chia sẻ kiến thức và tình yêu biển, đảo, cũng như triển vọng về phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Theo dõi trực tuyến và phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Mẹ thiên nhiên”, trong đó có biển và đại dương, là người mẹ vĩ đại che chở, nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta với trái tim bao dung, lòng nhân ái và tô điểm vẻ đẹp tâm hồn. Do đó, hành động bảo vệ, ứng xử với biển, đại dương là trả nghĩa ân tình, là trách nhiệm với "Mẹ thiên nhiên" và sự sống trên trái đất của mỗi quốc gia, mỗi con người.

Theo Thủ tướng, biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại; là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong chương trình "Khát vọng đại dương xanh"

Tuy nhiên, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có như cướp biển, buôn lậu; những hành động đơn phương vi phạm pháp luật quốc tế; biến đổi khí hậu; việc khai thác tài nguyên biển quá mức; hệ sinh thái, môi trường biển bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là rác thải nhựa, thậm chí rác thải nhựa còn xuất hiện trong loài cá sống sâu nhất của đại dương...

Điều đó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, dân tộc và cộng đồng dân cư. Đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc, mọi cộng đồng và mỗi người dân cần nhận thức và hành động đúng đắn vì đại dương xanh, vì hòa bình, an toàn và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.

Bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp chính đáng của các quốc gia.

Cùng với đó, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển; tuân thủ quy định về các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên, các nguyên tắc của Quy chuẩn ứng xử cho nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, là một quốc gia biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng, nỗ lực hành động, tôn trọng và tuân thủ luật pháp, công ước quốc tế; chủ động tham gia các cơ chế song phương và đa phương; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về biển và đại dương.

Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; cắt giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước khác.

Việt Nam sẽ thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản trị biển và đại dương.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển dựa trên công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương, nhất là rác thải nhựa.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về biển và đại dương của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển trên thế giới. Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phần bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Thanh Tâm (t/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...