|
  • :
  • :

Vụ lúa thu đông ở Vĩnh Thạnh 

Vụ lúa thu đông 2022, huyện Vĩnh Thạnh tập trung nhân lực, huy động sức dân gia cố đê bao, đảm bảo hệ thống tiêu, thoát nước, với mong muốn gặt hái được kết quả tốt đẹp trong vụ lúa này.

 

 Nông dân huyện Vĩnh Thạnh chăm sóc lúa thu đông 2022. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vụ thu đông năm nay, gia đình tôi gieo sạ trên 10 công đất. Nhờ vệ sinh đồng ruộng tốt, kết hợp áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng" vào sản xuất nên lúa phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, lúa thu đông đang trong giai đoạn phát triển, dễ xuất hiện dịch bệnh như đạo ôn, cháy bìa lá lúa… Do đó, chúng tôi thường xuyên thăm đồng và thực hiện quản lý lúa đúng theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh".

Dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Vĩnh Thạnh trong những ngày cuối tháng 8 này, nhiều cánh đồng lúa xanh rì, tươi tốt đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bông.

Vụ lúa thu đông 2022, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống dứt điểm với diện tích 20.241,7ha, đạt trên 119% kế hoạch. Cơ cấu giống lúa sản xuất chủ yếu là OM5451. Do đặc thù thổ nhưỡng, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã chia làm 2 giai đoạn xuống giống ở vùng Nam Cái Sắn và Bắc Cái Sắn. Trà lúa thu đông phía Nam Cái Sắn đang trong giai đoạn đòng, trổ. Phía Bắc Cái Sắn lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng và nông dân đang tập trung cung cấp đủ nước cho lúa phát triển. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, để có một vụ lúa thu đông thắng lợi toàn diện, tránh tình trạng dịch bệnh, sâu hại phá hoại, địa phương ứng dụng các biện pháp sản xuất tiến bộ "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", quản lý dịch bệnh tổng hợp vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ bà con bảo vệ đê bao, tập trung phương tiện bơm tát nhằm hạn chế tác hại do thiếu nước hoặc ngập úng nếu lũ về bất ngờ... Khi lúa bắt đầu vào giai đoạn chín, bà con tiến hành thu hoạch ngay để tranh thủ thời gian mở đồng đưa nước vào, hứng lấy phù sa cho vụ đông xuân sắp tới.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sâu rầy. Khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa từ 0-40 ngày sau sạ; không bón thừa phân đạm, đặc biệt cần bón lượng phân lân cao và kali ngay từ giai đoạn mạ 7-10 ngày sau sạ, giúp lúa phát triển bộ rễ mạnh, đẻ nhánh tập trung, cây cứng khỏe và tăng sức đề kháng từ đầu vụ. Khuyến cáo sử dụng phân hữu cơ vào đồng ruộng, giúp cải tạo đất, giảm lượng phân hóa học và hạn chế sâu, bệnh về sau…".

Ðến thời điểm này, công tác thủy lợi mùa khô ở huyện Vĩnh Thạnh đã kết thúc, với khối lượng thực hiện 60.180m3, đạt 100,3% kế hoạch, kinh phí thực hiện trên 1,5 tỉ đồng, do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, Vĩnh Thạnh đã triển khai thi công 14 công trình nạo vét, khai thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch, với khối lượng thực hiện 71.061m3/13.338m3, vượt kế hoạch đề ra. Ðây là một trong những hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng, nhằm phát triển nông nghiệp tại địa phương bền vững, an toàn... Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong tháng 8 này, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục nạo vét kênh rạch kết hợp nâng cấp đê bao với khối lượng thực hiện 225.641m3; nghiệm thu và đang lập hồ sơ quyết toán 1 công trình nâng cấp đê bao kênh giữa Thầy Ký (giáp ranh tỉnh Kiên Giang), tại thị trấn Thạnh An; đang lập hồ sơ mời thầu xây dựng Trạm bơm điện Ðòn Dong G1 - H1 ở xã Thạnh An và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng trạm bơm điện Ðòn Dong G1 - F1 ở xã Thạnh An...

Ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cũng chỉ đạo trạm khuyến nông phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn cho nông dân về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng"; theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng, trị; thực hiện dự báo, thông báo thời gian di trú của rầy và phối hợp mực thủy văn, bố trí thời gian bơm tát, cung cấp nước theo từng cánh đồng sản xuất lúa, bảo đảm hợp lý; gia cố những đoạn đê bao chưa đảm bảo an toàn cho các khu vực, vùng sản xuất lúa thu đông năm 2022; tiếp tục xây dựng và phát triển vùng canh tác lúa hữu cơ; theo dõi mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với 10ha tại xã Vĩnh Trinh và 2 mô hình bẫy cây trồng quản lý chuột với quy mô 1.000m2 tại xã Thạnh Tiến và xã Thạnh Quới; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ kiểm tra tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông hộ qua phỏng vấn, từ đó có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn sử dụng hợp lý...

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: "Vụ lúa thu đông 2022, địa phương tổ chức sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn gắn với an toàn sản xuất, an toàn thực phẩm và bao tiêu sản phẩm thông qua doanh nghiệp. Các địa phương khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, chăm sóc, bảo vệ tốt ruộng lúa, lưu ý tình hình mưa lũ cuối vụ, đảm bảo an toàn cho sản xuất..."

Nguồn: https://baocantho.com.vn/vu-lua-thu-dong-o-vinh-thanh-a150593.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin