Giảm diện tích đất trồng lúa ở ĐBSCL, lập tức giá lúa gạo sẽ tăng
Thưa ông, một báo cáo mới đây của Nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam do VCCI công bố mới đây đã đưa ra nhận định, nếu cứ ôm mãi cây lúa, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chậm phát triển. Nhóm chuyên gia đã đề xuất giảm diện tích lúa và theo tính toán, đến năm 2030 sẽ giảm 1 triệu ha. Đề xuất này cũng khiến nhiều người đặt ra lo ngại về vấn đề an ninh lương thực. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Câu hỏi giữ hay giảm đất lúa là bài toán mà chúng ta cần giải bằng được. Thứ nhất, lúa gạo là lợi thế của đất nước Việt Nam, trong tương lai lúa gạo chắc chắn sẽ tăng giá. Với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, diện tích trồng lúa trên thế giới ngày càng bị thu hẹp lại, kể cả vùng ĐBSCL diện tích trồng lúa cũng giảm dần bởi tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn tăng lên, nguồn nước ngọt hạn chế, chắc chắn thị trường lúa gạo thế giới sẽ hẹp dần.
So với các loại lương thực khác, thị trường buôn bán lúa gạo thế giới rất mỏng manh, và với tình hình như vừa nói, giá lúa gạo thế giới sẽ tăng. Câu chuyện về an ninh lương thực, an ninh lúa gạo là rõ ràng.
Nhưng ở khía cạnh thứ 2, không riêng gì Việt Nam mà các nước sản xuất lúa gạo ở Đông Nam Á nói chung như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, hay vùng Nam Á như Ấn Độ, người nông dân trồng lúa hoặc là người nghèo, hoặc thu nhập không cao. Rất ít trang trại sản xuất lúa gạo lớn, chủ yếu là nông dân sản xuất nhỏ.
Trong khi với quy mô diện tích trồng lúa trên bình quân đầu người của Việt Nam vào loại nhỏ nhất thế giới hiện nay thì dù có tăng vụ, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế đem lại cũng không cao được.
Cho nên để đảm bảo nông dân trồng lúa có lợi nhuận ít nhất 30% như mục tiêu chúng ta đã đề ra là rất khó. Nhưng ngay cả khi đạt được 30% đó, thì thu nhập từ lúa gạo đem lại cho người nông dân cũng không đáng kể vì mảnh đất quá nhỏ.
Điểm thứ ba, là ở những vùng trồng lúa chuyên canh theo chủ trương họ phải giữ đất lúa, nên việc chuyển đổi sang cây trồng vật nuôi khác có năng suất hiệu quả kinh tế cao hơn gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói đây lại là các tỉnh thuần nông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở những vùng này thường gặp bất lợi, dẫn đến GDP của các tỉnh này bị hạn chế. Do đó, vùng trồng lúa là vùng không giàu.
Về mặt kinh tế thị trường không bền vững, vì vậy mà bà con có xu hướng chuyển đất lúa sang sản xuất cây trồng vật nuôi khác. Hoặc bỏ đất lúa để đi nơi khác làm ăn.
Ở một số địa phương trồng lúa đang có xu hướng khai báo sai diện tích, không chủ động, không tích cực bảo vệ đất lúa. Thực tế hiện nay, nếu kiểm kê số liệu và bản đồ đo bằng vệ tinh thì số liệu sẽ khác nhiều so với báo cáo thống kê.
Vậy theo ông, bây giờ phải giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
- Trước hết, phải thấy rõ giữa nhu cầu an ninh lương thực và thực tế xung quanh cây lúa đang có mâu thuẫn. Đặc điểm cây lúa không phải là nông sản thông thường. Trên thị trường lúa gạo, phản ứng giữa cung và cầu không thể hiện bằng giá cả, bởi trong giá lúa gạo đang bị nhiễu loạn bởi rất nhiều chính sách.
Ở các nước phải nhập khẩu gạo, họ trợ cấp rất nhiều để người dân được ăn gạo rẻ. Đồng thời ở những nước này, họ cũng trợ cấp rất mạnh để người sản xuất của họ có lời. Ví dụ như Thái Lan, hay các nước nhập khẩu gạo như Nhật Bản, Philippines, họ đều có chính sách trợ cấp rất nhiều cho người tiêu dùng.
Đó là thực tế mà chúng ta phải thừa nhận hạt gạo có sức mạnh "mềm".
Nếu chúng ta nhìn ở góc độ chính trị, hạt gạo có vai trò chính trị thì chúng ta sẽ phải tính đến chuyện trợ cấp, đầu tư cho các tỉnh và cho nông dân trồng lúa. Còn nếu không đảm bảo được, ngân sách không cho phép, hay cán cân thương mại không cho phép thì chúng ta sẽ phải chấp nhận sự thật: Điều chỉnh đất lúa theo cơ chế thị trường.
Bởi khi giảm bớt đất lúa, lập tức giá lúa gạo sẽ tăng, đem lại lợi nhuận đáng kể hơn cho người trồng lúa.
Ở vùng ĐBSCL, cơ cấu nông nghiệp trước đây số 1 là lúa gạo, rồi mới đến thuỷ sản - trái cây, nhưng theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, cơ cấu nông nghiệp vùng được xác định chuyển đổi sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Phải chăng điều này đang mâu thuẫn với Nghị quyết của Quốc hội về việc giữ 3,5 triệu hecta đất trồng lúa, thưa ông?
- Ngoài việc giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta còn có một số mục tiêu khác, đó là Nghị quyết 120 của Chính phủ về việc phát triển triển bền vững ĐBSCL theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết này lại khuyến khích phát triển đa dạng hoá vùng ĐBSCL, biến cái bất lợi thành lợi thế, chuyển sang sản xuất thuỷ sản, hay trồng cây ăn trái.
Ở đây, lại phải quay về câu chuyện an ninh lương thực. Ngoài khía cạnh sản xuất đủ lúa gạo, thì còn vấn đề khác là người dân cũng phải có đủ thu nhập để mua lương thực. Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới không phải thiếu lương thực, mà vì nông dân nghèo không có tiền mua lương thực. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, chúng ta luôn thừa lương thực. Ngay cả khi thu hẹp diện tích hơn so với con số 3,5 triệu ha thì vẫn sẽ có đủ lương thực.
Hiện bình quân mỗi năm Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, chúng ta hoàn toàn có thể thu hẹp sản lượng xuất khẩu còn khoảng 3-4 triệu tấn. Như thế giá lúa gạo sẽ tăng lên. Kể cả khi các tỉnh ven biển bị xâm nhập mặn thì vùng lõi của vựa lúa ĐBSCL là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ sẽ vẫn có khả năng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Khi cần, nhưng vùng này có thể sản xuất 2-3 vụ lúa/năm với năng suất rất cao.
Một điểm nữa là, khi thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu về lương thực nói chung và lúa gạo sẽ giảm đi. Mấy chục năm qua, tiêu dùng gạo trên bình quân đầu người của Việt Nam giảm dần, nhưng con số này vẫn đang cao hơn so với mức tiêu dùng của Thái Lan, và cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển có sử dụng gạo như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Tóm lại, trong tương lai người dân Việt Nam sẽ tiếp tục ăn gạo ít đi. Như vậy, vấn đề an ninh lương thực trong tương lai sẽ tiếp tục được đảm bảo. Chuyện cần đặt ra bây giờ, là sử dụng đất lúa như thế nào để vừa đem lại hiệu quả cho người dân, vừa giảm bớt sức ép về môi trường?
Lúa là 1 trong số những cây trồng sử dụng rất nhiều đất, nhiều nước, nhiều lao động. Với trình độ kỹ thuật sản xuất hiện nay của chúng ta, thì lúa gạo là 1 trong những nguồn phát thải khí carbon lớn. Đó là vấn đề mà chúng ta phải tính toán nhằm cải thiện sức ép lên môi trường trong tương lai.
Như ông vừa phân tích, thì có nghĩa quan điểm của ông là ủng hộ việc giảm đất lúa?
- Rõ ràng rồi. Như tôi đã nói, hiện nay an ninh lương thực chúng ta đã đảm bảo. Cái chúng ta cần hiện nay là thu nhập, đa dạng, thích nghi trong sản xuất, giảm bớt sức ép về môi trường. Nếu chúng ta phát huy được sức mạnh mềm của đất nước về mặt chính trị, quốc phòng, phát huy được sức mạnh của lúa gạo theo khía cạnh đa dạng chế biến để tận dụng được hết phế phụ phẩm của nó như rơm rạ, vỏ trấu, dầu cám...; nếu tận dụng được sức mạnh về các loại gạo chất lượng cao, hay chế biến thành bún, bánh, chứ không chỉ ăn cơm như hiện nay thì ngành lúa gạo sẽ đi lên một hướng mới khác hẳn.
Tôi cho rằng, cần nhìn an ninh lương thực một cách đa dạng hơn. An ninh lương thực không chỉ là có đủ dinh dưỡng từ tinh bột mà còn từ các giá trị dinh dưỡng khác do thu nhập tăng, từ giá trị dinh dưỡng do các loại giống mới đem lại.
Hiện nay, chúng ta đã có những giống lúa chất lượng cao, giúp giảm hàm lượng đường; hay một số loại gạo được chế biến thành các loại thực phẩm chức năng... Những điều đó sẽ làm thay đổi chất lượng của an ninh lương thực.
Theo tôi, cần phải thay đổi cách suy nghĩ về an ninh lương thực và chính vì thế, việc giữ cứng một diện tích đất trồng lúa là sẽ không thực tế.
Vậy theo ông, với những diện tích đất lúa kém hiệu quả, khi chuyển đổi thì cần phải được kiểm soát như thế nào để đất đó có thể quay trở lại trồng lúa khi cần, tránh bị sử dụng sai mục đích, hoặc phục vụ cho một nhóm lợi ích khác?
- Để sử dụng đất lúa theo hướng đa dạng hơn mà vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, theo tôi phải luôn luôn chú ý tới việc đảm bảo quyền lợi của người nông dân. Đất đai là sinh kế quan trọng của bà con, là tài sản chính của gia đình người nông dân. Khi chuyển đổi đất lúa, rõ ràng đòi hỏi cần có kỹ thuật mới, nguồn vốn tích luỹ đáng kể để phục vụ quy mô sản xuất lớn hơn, đòi hỏi về xây dựng cơ sở hạ tầng...
Các vấn đề này đều tác động lớn đến đời sống người nông dân, cho nên các chính sách ban hành phải rất toàn diện.
Nói cách khác, là khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thì vai trò của người nông dân phải là trọng tâm.
Xin cảm ơn ông!