Theo đó, bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025 quy định chi tiết nội dung 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới như: Có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã giai đoạn 2021 - 2025 và được công bố công khai đúng thời hạn; 100% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động; đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; 100% trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định.
Bên cạnh đó, xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi theo quy định; có chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác đạt chuẩn theo quy định; không còn nhà tạm, dột nát; trên 85% hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố…
Với mỗi tiêu chí, quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng, cụ thể các xã của huyện Minh Hóa được áp dụng mức đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định đạt chuẩn với vùng trung du miền núi phía Bắc (Điều 1, Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong đó, tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai có các nội dung: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 80% trở lên; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng, chống thiên tai theo phương châm 04 tại chỗ.
Về thu nhập bình quân đầu người năm 2022, chỉ tiêu chung là từ 39 triệu đồng/người trở lên, phấn đấu đến năm 2025 đạt 48 triệu đồng/người.
Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn gồm các nội dung: Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Tiêu chí về y tế có 04 nội dung: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi); tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử.
Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm gồm các nội dung: Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định...
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ban, ngành được giao phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí căn cứ chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để ban hành hướng dẫn thực hiện đối với chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025.