Trở thành cây trồng chủ lực
Ông Đinh Văn Hén, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Trung Sơn cho biết, những năm 1990 trở về trước, phần lớn người dân của xã chủ yếu sống nhờ vào rừng. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông vẫn duy trì tập quán du canh, du cư, phát nương, làm rẫy nên tình trạng đói nghèo, đứt bữa diễn ra triền miên.
Năm 1992 ông khăn gói lên vùng trồng quế huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đề học cách trồng quế và đưa cây quế về trồng đầu tiên ở huyện. Theo thời gian, từ một vài cây trồng thử nghiệm, đến nay gia đình ông đã sở hữu cả một vạt đồi phủ kín cây quế mà trước đây chỉ toàn cây trồng ít giá trị kinh tế.
Ông Hén chia sẻ: "Tôi là người đã gắn bó với cây quế từ những ngày đầu, cùng thời gian, quế bao lần thịnh rồi suy, nhưng tôi vẫn không bỏ. Cây quế đã mang đến ấm no, giúp con cháu trong gia đình không vi phạm pháp luật về rừng, giữ rừng đến bây giờ. Tôi và đồng bào dân tộc nơi đây coi cây quê là "vua" các loại cây lâm nghiệp trồng trên đất đồi dốc, khô hạn.
Ông Đinh Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, chục năm trở về trước bà con trong xã chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy, song hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng quế. Quế phù hợp với độ dốc, có ưu điểm khai thác tỉa, thân thiện với môi trường.
Hiện toàn xã Trung Sơn là một trong những vùng quế lớn của huyện Yên Lập và của tỉnh với diện tích gần 1.000 ha. Người dân có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến quế. Vì vậy nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Trung Sơn vẫn xác định quế là cây trồng chủ lực, nên tiếp tục vận động bà con trồng, chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng quế để cho sản phẩm tốt nhất. Nhờ trồng quế, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 19 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,9%.
Xác định rồng rừng là trồng quế và trồng quế là trồng rừng, huyện Yên Lập đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền vốn và đất đai phát triển cây quế thành cây xuất khẩu trong những năm trước mắt và lâu dài. Trong đó, nhà nước hỗ trợ cho vay một phần hoặc toàn bộ không tính lãi khi người dân mua cây con, hạt giống. Cách tính cứ 100g thóc/1 cây quế, 25kg thóc/1kg hạt quế, từ năm thứ 2, thứ 3 mỗi năm đầu tư 100 kg-200 kg thóc cho 1 ha rừng quế. Kinh phí được trích từ nguồn ngân sách huyện, thu hồi từ năm thứ 5 đến năm thứ 10, các hộ có thể trả bằng vỏ quế, tinh dầu quế hoặc trả trực tiếp bằng thóc.
Cùng với hỗ trợ về cây giống, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm quế, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng quế, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống; đồng thời vận động nhân dân hình thành nhóm, tổ hợp tác xã để chế biến các sản phẩm từ quế ngay tại địa phương, tạo việc làm cho lao động và đóng góp ngân sách cho xã.
Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng với nhận thấy cây quế mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân vùng dân tộc Mường, Dao, Mông ở khắp các xã trên địa bàn huyện Yên Lập đã nhận đất chuyển đổi sang trồng quế. Diện tích quế cứ lớn dần theo năm tháng, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhờ đó bớt nghèo. Nhiều nhà thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ quế, thậm chí là vài tỷ đồng mỗi năm.
Trồng quế đã trở thành phong trào lớn ở hầu khắp các địa phương trong huyện, góp phần đưa độ che phủ rừng đạt hơn 61% và trở thành cây kinh tế chủ lực.
Ông Nguyễn Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhận thấy được lợi ích từ trồng quế, nên ngày càng có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã lựa chọn cây quế để trồng thay thế cây lâm nghiệp khác.
Hiện nay, diện tích quế của toàn huyện đạt gần 1.725ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã là Trung Sơn và Thượng Long; trong đó diện tích từ 1-5 tuổi gần 825ha; từ 6-10 tuổi 400ha; từ 11-15 tuổi 320ha; 15 tuổi trở lên 180ha, phấn đấu đến năm 2025 tăng lên 2.500 ha. Nhờ cây quế hàng năm đã tạo công ăn việc làm cho ít nhất 7.500 người, mang lại giá trị kinh tế hàng năm trên 100 tỷ đồng cho địa phương, góp phần ổn định an sinh, kinh tế - xã hội của địa phương.
Tận dụng lợi thế mở rộng vùng trồng quế quy mô lớn
Phú Thọ được đánh giá có khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp với phát triển cây quế. Qua điều tra, khảo sát, các nhà chuyên môn đã khẳng định cây quế được trồng tại Phú Thọ cho chất lượng khá tốt, chất lượng vỏ quế dày, hàm lượng tinh dầu cao; giá ổn định đươc thị trường tin dùng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn thuận lợi cho việc mở rộng diện tích; dân số trong độ tuổi lao động dồi dào, người dân cần cù chịu khó; nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn của trung ương, của tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn. Cùng đó, thị trường tiêu thụ quế trong và ngoài nước rất tiềm năng; khoa học kỹ thuật phát triển... Những yếu tố nêu trên là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, áp dụng vào sản xuất, chế biến phát triển cây quế trong thời gian tới.
Với lợi thế đó, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó tỉnh sẽ dành hơn 77 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích cây quế theo hướng hàng hóa; xây dựng, triển khai thực hiện các Chương trình, các dự án phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi; tăng cường liên kết, hình thành các Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đảm bảo dịch vụ đầu vào, đầu ra ổn định cho các thành viên theo chuỗi giá trị.
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích quế đạt trên 3.000ha, trên địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, tăng thêm 1.100 ha so với hiện nay. Cụ thể huyện Yên Lập trồng mới 700ha, tập trung tại xã Trung Sơn, Xuân An, Phúc Khánh và mở rộng trên địa bàn các xã có điều kiện thuận lợi, tuy nhiên phải đảm bảo tập trung, liền vùng. Huyện Tân Sơn trồng mới 300ha tập trung tại các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn. Huyện Thanh Sơn trồng mới 100 ha tập trung tại các xã Đông Cửu, Khả Cửu, Thượng Cửu. Phấn đấu 100% các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia trồng quế, chế biến sản phẩm quế được tập huấn đầy đủ về quy trình kỹ thuật từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ; áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ.
Đại Lâm