Khẳng định chất lượng
Với quan điếm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai chương trình Cà Mau đã xác định không vì nóng vội có sản phẩm được gắn sao mà “chạy” theo phong trào. Xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng lợi thế và cả nét văn hoá, phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - Phan Hoàng Vũ, Cà Mau hiện có 77 sản phẩm của 44 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP. Về số lượng sản phẩm OCOP, Cà Mau xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả các sản phẩm được công nhận đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng, góp phần khẳng định thương hiệu, uy tín của sản phẩm OCOP Cà Mau ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Hợp tác xã Tân Phát Lợi ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm đã được gắn sao OCOP như tôm khô tách vỏ, bánh phồng hàu, chà bông tôm, muối tôm cay. Giám đốc Hợp tác xã, ông Bùi Văn Chương cho biết, từ lợi thế nguồn nguyên liệu là con tôm sinh thái trên vùng đất ngập mặn, quá trình chế biến sản phẩm, hợp tác xã luôn chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã công bố. Khâu an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện nghiêm, duy trì theo chuỗi với các khu thu mua nguyên liệu, khu pha chế, làm sạch tôm khô, khu đặt máy tráng bánh, cắt bánh phồng.
Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng ngày càng đa dạng hóa các dòng sản phẩm nhằm khắc phục tình trạng chế biến sản phẩm ở dạng thô, đồng thời tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu cùng những thế mạnh như nguồn lao động, thị trường tiêu thụ, nét văn hóa, được thể hiện qua từng sản phẩm chế biến độc đáo từ vùng đất Ngọc Hiển.
Chẳng hạn từ con tôm, Hợp tác xã Tân Phát Lợi đã có các sản phẩm như tôm khô nguyên vỏ, tôm khô tách vỏ, chà bông tôm, chả tôm, bánh phồng tôm, bột nêm tôm, nước mắm tôm, được bày bán tại nhiều siêu thị lớn và 14 đại lý trong cả nước. Mỗi tháng, hợp tác xã đưa ra thị trường 3-4 tấn sản phẩm các loại, riêng khoảng thời gian cao điểm chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán (từ tháng 10 -12) lượng sản phẩm xuất bán tăng gấp 2-4 lần so với bình thường.
Tương tự, sản phẩm gạo sinh thái Từ Tâm của Hợp tác xã Đoàn Phát, ấp 8, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) cũng là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Cà Mau. Được sản xuất từ giống lúa ST24, trồng trên đất nuôi tôm tự nhiên, sinh thái theo cơ cấu mùa vụ lúa - tôm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gạo sinh thái Từ Tâm cho hương vị thơm ngon, đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Theo ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Phát, hiện nay hợp tác xã sản xuất xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm mỗi năm trên diện tích khoảng 450 ha, sản lượng lúa đạt khoảng từ 4-5 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ. Còn sản lượng tôm hữu cơ đạt bình quân 500 kg/ha/vụ, trừ chi phí lợi nhận thu được khoảng 70 triệu đồng/ha, mang lại cho các thành viên hợp tác xã nguồn thu đáng kể.
Đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng
Tham gia chương trình, hoàn thiện sản phẩm để được gắn sao OCOP, điều mà bất cứ chủ thể nào cũng mong muốn là sản phẩm được khách hàng biết đến nhiều hơn, có thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn. Vì vậy, đẩy mạnh xúc tiến tương mại, tăng cường tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm OCOP là giải pháp được tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thực hiện, tạo sự phát triển bền vững cho sản phẩm.
Đề cập về việc tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh, một số sản phẩm bước đầu xuất khẩu qua thị trường Australia, Canada và Singapore. Chương trình đã lan tỏa sâu rộng, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, giá trị sản phẩm và doanh thu tăng trên 30%, giá bán sản phẩm tăng từ 5-10%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 15-20%.
Tuy nhiên, cùng theo ông Lê Văn Sử, một số sản phẩm OCOP của Cà Mau vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và tỷ lệ các sản phẩm vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ trên cả nước chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ, phần lớn được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ. việc phát triển sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, năng lực quản trị, điều hành sản xuất, xúc tiến thương mại của một số chủ thể còn hạn chế, gặp khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chủ thể cũng chưa mạnh dạn đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn, quy định.
Trước thực tế này, để tháo gỡ khó khăn, đưa sản phẩm OCOP địa phương tiếp cận nhiều hơn với thị trường trong nước và nước ngoài, tỉnh Cà Mau thực hiện các giải pháp như: các cơ quan chuyên môn và địa phương phát huy vai trò làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.
Cùng đó, tỉnh thiết lập nhiều kênh phân phối tiêu thụ hiệu quả, phát triển sản phẩm theo hình thức liên kết sản xuất, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ; không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm theo hình thức truyền thống mà đưa sản phẩm OCOP tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, Cà Mau cũng chú trọng cải tiến quy trình, công nghệ chế biến, đặc biệt là chế biến sâu. Tỉnh chú trọng phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP của địa phương. Các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ thể OCOP đầu tư hơn cho “câu chuyện sản phẩm” để giới thiệu, dẫn dắt người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và gia trị gia tăng cho sản phẩm.
Đồng thời, Cà Mau tăng cường tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, mở rộng cửa hàng phân phối và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Nhấn mạnh giải pháp xúc tiến thương mại, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, Triệu Thanh Tuấn cho biết, Trung tâm đã đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử tỉnh Cà Mau tại địa chỉ madeincamau.com, hỗ trợ tạo gian hàng và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trưng bày, giới thiệu, giao dịch các san phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP thông qua Sàn thương mại điện tử.
Cà Mau còn tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm tỉnh Cà Mau với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử lớn như Central Retail, Saigon Coop, Tiki, Lazada, Sendo, Chợ tốt.
Tỉnh xây dựng các quầy, kệ trưng bày sản phẩm OCOP Cà Mau tại Trung tâm giới thiệu ẩm thực, đặc sản, du lịch Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Grand World Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời, mở điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm và thành tựu xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư của tỉnh và bán sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau tại Tòa nhà không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau.
Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng tổ chức Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, mở lớp tập huấn kỹ năng tiếp thị sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện. Qua đó, tăng cường quảng bá và phát triển thương hiệu địa phương, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh trong bối cảnh hội nhập.
Thanh Trà- Kim Há