|
  • :
  • :

Phát triển làng nghề trong quá trình đô thị hóa

Cùng với quá trình đô thị hóa thì việc gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. 

Cơ sở dệt thổ cẩm K’ Long xã Hiệp An (huyện Đức Trọng)
Cơ sở dệt thổ cẩm K’ Long xã Hiệp An (huyện Đức Trọng)
 
Hiện nay, việc duy trì và phát triển các làng nghề có vai trò rất lớn đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, đem lại nguồn thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề trên địa bàn huyện Đức Trọng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp, định hướng phù hợp để vừa đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn đảm bảo cho các làng nghề được bảo tồn và phát triển. 
 
Một trong những làng nghề đã có quá trình phát triển khá lâu ở huyện Đức Trọng đó là làng nghề thổ cẩm K’ Long. Sau hơn 20 năm hoạt động, ngoài việc sản xuất hàng hóa, cơ sở dệt thổ cẩm K’ Long còn nhận đào tạo và tìm kiếm cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng hiện nay cơ sở chỉ có hơn 9 công nhân là các chị em phụ nữ ở địa phương đang làm việc. Mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 3.000 đến 4.000 sản phẩm với nhiều mẫu mã, như: Trang phục, giỏ, ví, ba lô... Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển cơ sở cũng đang gặp khá nhiều khó khăn nhất là sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cở sở.
 
Ông Trần Văn Tiến - Quản lý cở sở dệt thổ cẩm K’ Long cho biết: Các sản phẩm thuần túy được dệt bằng tay truyền thống, chất liệu khá tốt nên mỗi sản phẩm có giá bán thấp nhất là 20 ngàn đồng và cao nhất từ 400 đến 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, những sản phẩm này hiện đang khó khăn trong việc tiêu thụ, khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, lượng khách mua chủ yếu vào mùa du lịch. Do đó, đa số các sản phẩm làm ra đều phải chờ đến mùa lễ hội tại các điểm du lịch mới tiêu thụ được nhiều. Không chỉ khó khăn về thị trường tiêu thụ, mà vấn đề về nhân công lao động, sức cạnh tranh thị trường cũng như việc mở rộng quảng bá đang khiến cho ban quản lý cơ sở hết sức trăn trở.
 
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 30 làng nghề, 76 nghề truyền thống, thu nhập bình quân lao động từ 4 - 5,5 triệu đồng. Với nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương có khả năng phát triển thành làng nghề, như: dệt thổ cẩm, trồng nấm, đan lát mây, tre, nứa và chế biến nông sản... 
 
Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởngChi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát Triển nông thôn cho biết: Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững và nguồn vốn hạn hẹp. Đi cùng với đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư máy móc và cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đó là rào cản đối với việc hình thành những làng nghề. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cũng là vấn đề khá nan giải trong phát triển làng nghề. Chính vì vậy, việc đề ra các chính sách khuyến khích phù hợp để phát triển làng nghề trong giai đoạn hiện nay đang là mong muốn của nhiều cơ sở làng nghề. 
 
Hiện nay, số lượng nghệ nhân và lao động có tay nghề cao trong các làng nghề ngày một ít dẫn đến chất lượng sản phẩm và thẩm mỹ chưa cao, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp; thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng hạn chế, tác động không nhỏ đến việc duy trì phát triển các làng nghề. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất không chủ động được nguồn nguyên liệu dẫn đến sản xuất tạm thời, gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh, thu nhập của cơ sở và người lao động. Vừa qua, đại dịch Covid-19 cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, sản lượng tiêu thụ giảm, thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc cước phí vận tải tăng cao...
 
Ông Phạm Hưng cho biết thêm: Để phát triển bền vững các làng nghề, các địa phương cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống nước thải... Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi... 
 
Quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh tiến hành quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
 
Mặc khác, để phát huy được những lợi thế này, cần phải có các giải pháp cũng như hướng đi phù hợp đối với những ngành, nghề có tiềm năng. Từ đó, để các làng nghề truyền thống không bị mai một trong quá trình đô thị hóa.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/xahoi/202207/phat-trien-lang-nghe-trong-qua-trinh-do-thi-hoa-3123429/