|
  • :
  • :

Gỡ vướng cho xuất khẩu nông sản

6% là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nước ta giảm trong tháng 8-2021.

 

Sơ chế chuối phục vụ xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN THANH.
Sơ chế chuối phục vụ xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN THANH.

Đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản tháng 6 đạt 1,89 tỷ USD. Đến tháng 7, kim ngạch xuất khẩu nhóm này đạt 2,07 tỷ USD nhưng đến tháng 8 giảm còn 1,75 tỷ USD. Tương tự, ở nhóm hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 cũng giảm rất mạnh. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, khảo sát của VASEP cho thấy, hiện chỉ có 30-40% DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam thực hiện được “3 tại chỗ”. Trong số này, công suất sản xuất cũng giảm 50-60% do nhiều công nhân xin nghỉ việc để tránh dịch. Thực tế này đã kéo công suất chung của cả vùng giảm 60-70%. 

Xuất khẩu tôm là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên do thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều nhà máy chế biến tôm phải tạm dừng hoạt động. Từ đó, tác động rất lớn đến giá tôm nguyên liệu.

Cụ thể, tôm sú giảm trung bình 5.000 - 10.000 đồng/kg (tùy kích cỡ tôm), tôm thẻ chân trắng giảm trung bình 4.000 - 20.000 đồng/kg… Với giá giảm sâu như vậy, người nuôi tôm đang lỗ nặng.  

Mới đây tại hội nghị sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết thêm, trong khi giá tôm trong nước giảm mạnh, giá tôm trên thế giới đang ở mức cao. Nhiều DN cố gắng sản xuất và xuất khẩu tôm thì lại bị các quy định đi lại chồng chéo giữa các tỉnh gây khó. Cùng với con tôm, người nuôi và nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… cũng gặp khó và giá rớt rất mạnh do đứt gãy chuỗi vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới các siêu thị, trung tâm thương mại và nhà máy chế biến cá xuất khẩu.  

Nhiều DN chế biến gạo ở ĐBSCL, lo âu cho biết tháng 8 vừa qua, họ đã phải xin lỗi khách hàng vì chậm giao gạo. Nguyên nhân chủ yếu do chuỗi cung ứng trong nước bị đứt gãy vì giãn cách xã hội và dịch vụ logistics vận chuyển hàng trên thế giới thiếu container rỗng xuất phát từ châu Á. Đáng lo ngại, theo Bộ NN-PTNT, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 8-2021 chỉ còn 385 - 390 USD/tấn, mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đến nay, chỉ có một tín hiệu khả quan là bước sang tuần đầu tháng 9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng trở lại, nhích lên mức 403 - 409 USD/tấn. Các DN xuất khẩu gạo hy vọng các tỉnh phía Nam sớm kiểm soát được dịch, từng bước nới lỏng giãn cách sẽ giúp hoạt động mua bán và vận chuyển lúa gạo thuận lợi hơn. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để khôi phục tiến độ xuất khẩu gạo cho các đối tác. 

Rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp

Hiện nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thế nhưng, tại những thị trường này đang có nhiều thay đổi về rào cản kỹ thuật đòi hỏi DN phải chủ động thích ứng.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), nhấn mạnh, tháng 8-2021, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp 65 thông báo của các nước thành viên WTO, gồm 54 dự thảo và 11 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới các mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, cùng với việc phục hồi sản xuất, DN cần chủ động thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất để đáp ứng những tiêu chuẩn mới về rào cản kỹ thuật tại nhiều thị trường xuất khẩu, tránh nguy cơ mất thị phần. 

 

Khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp 

Ngay trong ngày 9-9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động của “Tổ công tác đặc biệt về kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19” (Tổ công tác 970) nhằm ổn định nguồn cung lương thực thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu các tháng cuối năm 2021. 

Tại hội nghị, các DN cho rằng, để có nguồn hàng xuất khẩu thì trước hết phải tháo gỡ khó khăn về thu hoạch, đảm bảo đủ nguyên liệu, giải phóng hàng tồn để nông dân tái đầu tư sản xuất không chỉ trong các tháng cuối năm mà cả khi hết dịch.

Nêu thực trạng 38.500 tấn cá tra đang tồn dưới ao trong khi 90% nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, nhiều nơi ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân chế biến, nhưng lại không ưu tiên vaccine, không cấp giấy đi đường cho người nuôi cá tra, nên cũng không thu hoạch, tiêu thụ được.

Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang giảm mạnh.
Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang giảm mạnh.

Về yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho rằng, nếu địa phương thành lập tổ, đội thu hoạch cá, lúa, trái cây chuyên nghiệp, đảm bảo phòng chống dịch thì có thể làm văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho vào thu hoạch. Ngày 10-9, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản gửi 6 tỉnh ĐBSCL về việc thành lập đội thu hoạch cá tra chuyên nghiệp, đề nghị Sở Y tế, Sở Công thương có cơ chế cho đội này vào địa phương thu hoạch nông sản với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.

“Tổ công tác sẽ có văn bản đề nghị anh Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, giao các sở y tế phối hợp với Sở NN-PTNT địa phương hướng dẫn nông dân ra đồng, công nhân vào nhà máy thế nào để đảm bảo an toàn dịch bệnh”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ báo cáo Chính phủ có nghị quyết về phục hồi sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước chứ không chỉ riêng với 19 tỉnh, thành phố ở phía Nam. 

Theo kế hoạch, ngày 11-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai kế hoạch này cho các địa phương.

Cộng lực từ hai phía

Trong khó khăn đã và đang xuất hiện nhiều giải pháp, nỗ lực từ phía DN cũng như ngành chức năng để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc.

Tại Đồng Nai, Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, để giải bài toán đầu ra, việc đầu tư cho bảo quản, chế biến được Đồng Nai xác định là giải pháp căn cơ, bền vững cho đầu ra hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng trên địa bàn. Tỉnh đang xây dựng 2 cụm công nghiệp (CCN) điểm trong lĩnh vực chế biến sâu nông sản đó là CCN Phú Túc và CCN Long Giao. Đây là 2 CCN được chọn đầu tư trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các DN. Về hướng xuất khẩu, hiện Đồng Nai đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là thị trường khó tính như châu Âu, Trung Đông, Mỹ, Nhật Bản... để không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. 

Ở Cà Mau, theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngoài nước bằng hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, ưu tiên cho thương mại điện tử xuyên biên giới, xuất khẩu ngay khi có cơ hội. Đồng thời hỗ trợ DN bằng mọi biện pháp trong khả năng, tạo cơ hội cho DN tiếp cận thị trường mới.

Hồ tiêu và câu chuyện chuyển thô thành tinh

Ông Lê Đức Huy, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam chiếm 60% sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia trên thế giới. 

Theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, chỉ tính riêng tại Ấn Độ - thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất nhì thế giới, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, mức này khá khiêm tốn so với 1,4 tỷ USD mà Ấn Độ chi hàng năm để nhập khẩu nguyên liệu hồ tiêu và gia vị. Để có thể tăng thị phần xuất khẩu cũng như giá trị hồ tiêu Việt Nam tại thị trường này nói riêng, nhiều thị trường khác nói chung, cần tăng cường chế biến, tạo ra nhiều loại gia vị khác từ hồ tiêu. DN xuất khẩu cần đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tùy thị trường nhập khẩu sẽ có những quy định khác nhau. Để giảm rủi ro, DN cần bắt tay với nông hộ, hợp tác xã từ khâu trồng trọt. Đặc biệt, để tăng giá trị gia tăng của hồ tiêu Việt Nam, theo nhiều chuyên gia lẫn DN, cần cấp bách xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/kinh-te/202109/go-vuong-cho-xuat-khau-nong-san-781826/
Tin liên quan
Chưa có thông tin