|
  • :
  • :

Nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh 

Ðể canh tác lúa đạt hiệu quả trong điều kiện sản xuất ngày càng có nhiều bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Ðiền hỗ trợ nông dân tại vùng ÐBSCL thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH.

Mô hình triển khai thực hiện trong vụ đông xuân 2020-2021 và hè thu 2021 đã  khẳng định mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và môi trường. Từ thành công của mô hình, nhiều địa phương mong muốn đẩy mạnh nhân rộng phát triển trong thời gian tới.

Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH  tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.  ảnh: B.Ð

Khẳng định hiệu quả

Tiếp nối thành công từ hợp tác của Trung tâm KNQG với Công ty CP Phân bón Bình Ðiền trong chương trình canh tác lúa thông minh năm 2016-2017 tại 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL, hai bên đã tiếp tục triển khai Chương trình canh tác lúa thông minh ÐBSCL thích ứng BÐKH năm 2021-2022.

Vụ đông xuân 2020-2021, có 47 hộ nông dân tại vùng ÐBSCL tham gia mô hình, với diện tích 24ha. Nông dân đã thực hiện theo quy trình canh tác lúa thông minh do Ban cố vấn Chương trình biên soạn, trong đó áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến gắn đẩy mạnh cơ giới hóa, sử dụng giống, phân bón và các loại vật tư đầu vào một cách hiệu quả, tiết kiệm… Kết quả nông dân trong mô hình đã giảm được 34kg giống/ha so với đối chứng, tương đương 29%. Chi phí đầu tư bình quân 18,768 triệu đồng/ha, giảm 4,16%, với giá trị khoảng 800.000 đồng/ha. Có những mô hình ở Cần Thơ và Sóc Trăng chi phí đầu tư đã giảm hơn 3 triệu đồng/ha, trong đó phần giảm lớn nhất từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), qua đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Phân bón trong mô hình cũng được tiết giảm khá nhiều, với lượng đạm nguyên chất giảm bình quân 19,2kg/ha, lân giảm 24,1kg/ha và kali giảm 5,9kg/ha. Năng suất lúa trong mô hình cao hơn diện tích đối chứng khoảng 6,6%, tương đương 550kg/ha. Các mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn diện tích đối chứng từ 1,4-6,6 triệu đồng/ha.

Vụ hè thu 2021, mô hình canh tác lúa thông minh triển khai tại 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL, với quy mô từ 4 mô hình/tỉnh hoặc thành phố và diện tích mỗi mô hình khoảng 0,5ha. Ðến nay, lúa hè thu tham gia mô hình tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang… đã được thu hoạch và cho năng suất bình quân tăng hơn ngoài mô hình từ 100-300kg/ha. Nông dân cũng giảm nhiều chi phí sản xuất nên lợi nhuận tăng hơn từ 1,64 đến 3,4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Ông Trần Văn Út ở xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn, hướng dẫn nhiều giải pháp kỹ thuật để sử dụng các loại vật tư đầu vào tiết kiệm và chủ động giúp cấy lúa khỏe, ít sâu bệnh và đổ ngã do thời tiết bất lợi. Nhờ vậy, nông dân đã bỏ được tập quán gieo sạ dày với lượng sử dụng giống từ 200-250 kg/ha, nay xuống chỉ còn 80-100kg giống/ha trở lại mà lúa vẫn đạt năng suất cao. Việc chọn giống tốt và gieo sạ thưa không chỉ tiết kiệm giống mà còn giúp cây lúa đủ không gian để phát triển, ít sâu bệnh, từ đó giảm lượng sử dụng phân bón và thuốc BVTV”.

Theo anh Nguyễn Văn Phi ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, nhờ tham gia mô hình và áp dụng kỹ thuật sạ cụm mà anh chỉ cần sử dụng khoảng 60kg giống/ha, giảm hơn 60kg/ha so với trước mà năng suất, chất lượng lúa lại được nâng cao. Ðồng thời, anh cũng được hướng dẫn các kỹ thuật giúp chủ động làm đất, gieo sạ, chăm sóc lúa trên vùng đất bị ảnh hưởng bởi phèn và mặn… để cây lúa tốt và khỏe mạnh mà không cần sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV, giúp lợi nhuận tăng hơn 3 triệu đồng/ha.

Cần nhân rộng mô hình

 Tại TP Cần Thơ, mô hình canh tác lúa thông minh được thực hiện trong vụ đông xuân và hè thu 2021 tại ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Nông dân trong mô hình đã được cung cấp phân bón chuyên dùng, hướng dẫn áp dụng công nghệ, cơ giới hóa và thực hiện các giải pháp ứng phó linh hoạt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh... Qua đó, chi phí sản xuất giảm hơn 1,38 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng cao hơn 3,4 triệu đồng/ha. Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ, cho rằng: “Tới đây cần nhân rộng mô hình vì các hiệu quả  mang lại là rất rõ nét. Ðặc biệt, việc ứng dụng thiết bị sạ cụm, giúp giảm lượng sử dụng giống chỉ còn ở mức 54-60kg, là giải pháp giảm giống hiệu quả cần nhân rộng. Ðồng thời, cần nhân rộng việc phân tích thành phần dinh dưỡng của đất để đưa ra công thức và quy trình bón phân cho từng vùng, giúp sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm. Ban cố vấn chương trình cần số hóa và tích hợp vào các phần mềm để phổ biến cho nhiều nông dân áp dụng, chứ không chỉ riêng nông dân trong mô hình…”.

Từ thành công của mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH, các tỉnh Long An và Vĩnh Long cũng đã có kế hoạch mở rộng mô hình và đưa các giải pháp kỹ thuật hiệu quả từ mô hình để áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất lúa của địa phương. Ông Trương Vĩnh Yên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tới đây bên cạnh tiếp tục thực hiện mô hình được hỗ trợ bởi Trung tâm KNQG phối hợp Công ty Bình Ðiền, tỉnh cũng có dự án xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH giai đoạn 2021-2025, với tổng quy mô diện tích hơn 1.100ha”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An Trịnh Hoàng Việt cho biết, Trung tâm vừa đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ nông dân mở rộng mô hình. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đưa các giải pháp kỹ thuật từ nền tảng mô hình canh tác lúa thông minh vào ứng dụng trong các chương trình, dự án phát triển sản xuất lúa của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể là dự án xây dựng vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao từ 20.000ha lên 60.000ha đến năm 2025.

Từ những hiệu quả đã thấy rõ mà mô hình mang đến, ông Ngô Văn Ðông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Ðiền, đã kiến nghị Trung tâm KNQG và các đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình canh tác lúa thông minh để hoàn tất hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm công nhận là tiến bộ kỹ thuật để thuận lợi trong phổ biến, nhân rộng. Công ty cũng mong các cơ quan và đơn vị liên quan tích cực vào cuộc, giúp cho canh tác lúa thông minh không chỉ dừng lại ở mô hình mà được áp dụng trên những cánh đồng lớn toàn vùng và cả nước.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG, để nhân rộng và phát triển mô hình cánh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH, toàn hệ thống khuyến nông và lãnh đạo ngành Nông nghiệp địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để trình các cấp thẩm quyền. Hiện Trung tâm cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch để phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp phát triển mô hình.

KHÁNH TRUNG

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nhan-rong-mo-hinh-canh-tac-lua-thong-minh-a137788.html