Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp đang cần các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ lúa thu đông.
Lúa thu đông sớm tại huyện Thới Lai phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch.
Trúng mùa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, hằng năm, TP Cần Thơ ít chịu tác động nước lũ đầu nguồn về sớm nên lúa thu đông được nông dân gieo sạ sớm từ cuối tháng 6. Ðến nay toàn thành phố xuống giống được 69.995ha, đạt 120% so với kế hoạch và cao hơn 1.306ha so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu giống lúa được gieo trồng phù hợp nhu cầu doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu. Trong đó, gieo trồng nhiều nhất là giống lúa OM 5451 chiếm 72,6%, tập trung tại các huyện Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai và quận Thốt Nốt. Phần lớn diện tích lúa trên đồng đang giai đoạn trổ chín, sắp thu hoạch. Hiện đã có một vài cánh đồng trồng lúa IR 50404 ở huyện Thới Lai bắt đầu thu hoạch. Ðồng thời, dự kiến từ 15-9 đến 15-10 lúa thu đông bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.
Anh Phan Thiện Khanh, ở ấp Ðịnh Khánh B, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, canh tác 1,7ha lúa thu đông, cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền địa phương và ngành chức năng hỗ trợ nông dân thăm đồng, phòng trị dịch bệnh hại lúa. Nhờ đó, ruộng lúa tại xã Ðịnh Môn hạn chế sâu, bệnh phá hại, lúa phát triển tốt. Hiện nay, hầu hết cánh đồng lúa thu đông đang trong giai đoạn chắc xanh, trổ chín, thậm chí có ruộng lúa đã cho thu hoạch sớm. Do đó, ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thương lái thăm đồng và ký kết hợp đồng tiêu thụ, đặt cọc mua lúa tươi tại ruộng…”.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra căng thẳng, nhưng điều bất ngờ là diện tích lúa thu đông năm 2021 tại TP Cần Thơ sản xuất tăng lên, gần 70.000ha, trong khi kế hoạch sản xuất là 58.000ha. Lúa thu đông 2021 là vụ sản xuất cao nhất so với vụ lúa cùng kỳ trong nhiều năm qua. Theo nông dân, do từ tháng 6 nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 khởi phát ở các tỉnh lân cận, đường vận chuyển mua bán nông sản, thủy sản gặp khó khăn. Trong khi lúa gạo luôn có thị trường ổn định hơn. Vì vậy nông dân ở khu vực trồng màu luân canh sau vụ lúa mạnh dạn tiếp nối sản xuất lúa thu đông, với tổng số diện tích lên đến gần 12.000ha. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: Chúng tôi đã đi thăm đồng lúa thu đông ở nhiều địa phương, mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón, nhưng nông dân vẫn chịu khó chăm sóc, lúa phát triển khá tốt. Vụ lúa thu đông năm nay dự báo trúng mùa, năng suất có thể đạt 6 tấn/ha, cao hơn lúa vụ hè thu vừa rồi và vượt mức bình quân lúa thu đông của mấy năm qua (chỉ 5 tấn/ha). Ước sản lượng lúa thu đông năm 2021 TP Cần Thơ có thêm khoảng 400.000 tấn lúa…
Hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ lúa
Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 240 máy gặt đập liên hợp, công suất hoạt động trong một tháng cao điểm lúa chín rộ được khoảng 36.000-40.000ha. Phần diện tích lúa còn lại thiếu máy gặt, cần tìm thêm các tổ máy gặt từ các tỉnh lân cận. Ðể chuẩn bị không bị động, thiếu máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa thu đông, Sở NN&PTNT Cần Thơ đã có kế hoạch đề nghị UBND TP Cần Thơ và các địa phương kiểm soát phòng dịch tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ máy và nhân công đi vào địa bàn thu hoạch lúa kịp thời cho nông dân.
Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch lúa thu đông, nhưng hiện giá lúa khô (lúa hè thu 2021 được nông dân dự trữ lại) trên địa bàn giảm trung bình từ 200-400 đồng/kg so với thời điểm giữa cuối tháng 8-2021. Nguyên nhân do tình trạng xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng dịch COVID-19 trên toàn cầu. Cụ thể, các giống lúa như IR50404 có giá từ 5.800-5.900 đồng/kg; OM5451, OM18 từ 6.200-6.300 đồng/kg; Jamine 85 từ 7.300-7.500 đồng/kg… Bên cạnh đó, hầu hết diện tích lúa thu đông chuẩn bị cho thu hoạch nhưng ít thương lái, doanh nghiệp đến đặt cọc mua lúa tươi tại đồng. Nguyên nhân, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và đang trong thời gian tập trung phòng, chống dịch nên thương lái gặp khó khăn trong việc đi lại. Riêng, tại huyện Cờ Ðỏ hiện có khoảng 7.133ha đã được liên kết bao tiêu đầu ra, số còn lại chưa có liên kết bao tiêu; tại xã Trung An có khoảng 70% diện tích đã bán với giá dao động từ 5.100-5.200 đồng/kg (lúa giống OM5451), thương lái đặt cọc 300.000 đồng/công có diện tích 1.300m2 (tương đương 2.305.000 đồng/ha). Phần lớn diện tích lúa thu đông còn lại nông dân chưa đồng ý bán, nhận đặt cọc của thương lái do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên nông dân vẫn neo lúa, chờ giá…
Sắp tới, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các quận, huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nông dân mua vật tư nông nghiệp qua điện thoại và cung cấp thông tin các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp gần nhất cho nông dân tiện liên lạc; hỗ trợ thăm đồng, tạo thuận lợi thu hoạch lúa cho nông dân từ địa phương khác có diện tích canh tác trên địa bàn đang thực hiện cách ly hoặc đang thuộc diện phong tỏa để nông dân yên tâm thực hiện phòng, chống dịch COVID-19; huy động tổ dịch vụ nông nghiệp, phân công sản xuất và thực hiện các dịch vụ nông nghiệp (thăm đồng, phun thuốc, bơm nước, thu hoạch lúa) theo từng địa phương để đảm bảo ổn định nguồn lao động, ít di chuyển trong tình hình phòng, chống dịch; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 phù hợp, test nhanh cho lực lượng tham gia hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nhằm đảm bảo an toàn và thuận lợi cho lực lượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản…
Ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm, về tiêu thụ lúa thu đông hiện thành phố đã duy trì được diện tích lúa trên cánh đồng lớn là 30.000ha và có liên kết với gần 20 doanh nghiệp thu mua. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đang phối hợp với sở, ngành liên quan và các quận, huyện có biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt, nhanh chóng để thương lái và doanh nghiệp đưa phương tiện vận tải, máy gặt về đồng thu hoạch và thu mua lúa hỗ trợ nông dân. Ðồng thời khuyến khích nông dân có điều kiện phơi, sấy dự trữ lúa…
Bài, ảnh: HÀ VĂN