|
  • :
  • :

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc

Huyện Bắc Yên (Sơn La) đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, bản triển khai nhiều giải pháp đảm bảo thức ăn, phòng chống dịch bệnh, chống rét cho gia súc…

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc - Ảnh 1.

Huyện vùng cao Bắc Yên là một trong những huyện có số lượng đàn gia súc lớn của tỉnh Sơn La do vậy việc chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc luôn được quan tâm. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong đợt rét đậm, rét hại, băng giá kéo dài trên địa bàn tỉnh Sơn La cuối tháng 2/2022, huyện Bắc Yên là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 587 con gia súc chết rét. Ước tính thiệt hại khoảng 6,6 tỷ đồng.

Vùng cao Sơn La triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ đàn gia súc

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, cho biết: Trước tình trạng trên, phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập các Tổ công tác phối hợp với các xã, thị trấn đến tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chống rét và chăm sóc đàn gia súc như: che chắn, vệ sinh chuồng trại, sưởi ấm; tăng cường bổ sung dinh dưỡng bằng thức ăn tinh, thức ăn thô, cho uống nước ấm, nước pha muối… 

Hướng dẫn nhân dân chú trọng chăm sóc đàn vật nuôi nhất là gia súc còn non, già yếu tránh tình trạng gia súc bị cước chân, cóng chân dẫn đến lăn dốc hoặc khó khăn trong việc tự đi kiếm thức ăn. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo đến người dân về tình hình rét đậm, rét hại trên hệ thống đài phát thanh của huyện, loa phát thanh của xã, bản… để nhân dân thực hiện các biện phòng chống rét cho vật nuôi được kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, cảnh báo mức độ thiên tai đến người dân trên hệ thống Đài phát thanh của huyện, loa truyền thanh của xã.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc - Ảnh 2.

Trong những ngày thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp người dân cần lùa đàn gia súc về gần nhà để tiện chăm sóc. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng theo bà Dương trong đợt cuối tháng 2/2022, nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa liên tục trên diện rộng trên địa bàn của huyện, một số xã vùng thấp dọc Sông Đà số lượng gia súc bị chết rét tăng cao hơn so với các xã vùng cao. Nguyên nhân là do tâm lý chủ quan, lơ là của một số hộ dân chưa chú trọng chủ động trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Không kịp thời đưa gia súc về chăm sóc trong chuồng trại gần nhà, mà dồn gia súc vào lán nương (tại các khu vực chăn thả) với chuồng trại chưa đảm bảo, bị gió lùa, mưa dột.

Số chết rét phần lớn là gia súc còn non hoặc các con đã già sức có chống chịu kém và thường rơi các hộ có nhiều gia súc mà không đủ thức ăn dự trữ hoặc thiếu người chăm sóc.

“Đối với các xã này, đã chỉ đạo các xã nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến của người dân thay đổi tập quán từ chăn thả sang chăn dắt để quản lý, bảo vệ và chăm đàn gia súc được tốt hơn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống rét, tập trung việc vận động tu sửa, che chắn chuồng trại. 

Vận động người dân mở rộng diện tích trồng cỏ voi, gieo ngô dày và hướng dẫn dự trữ đảm bảo đủ thức ăn khi tập trung gia súc về chăm sóc chuồng trại trong những mưa rét”. Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên nói.

Người dân huyện vùng cao Sơn La cần bảo vệ đàn vật nuôi bằng những việc làm cụ thể

Các xã, thị trấn cần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện công tác tiêm phòng vaccine, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, kịp thời xử lý khi mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc - Ảnh 3.

Người dân vùng cao xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La) trồng cỏ voi VA06 chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc mùa giá rét. Ảnh: Mùa Xuân.

Để đảm bảo nguồn thức ăn trong những ngày giá rét, các hộ chăn nuôi cần thu gom, dự trữ chế biến các phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ, thân cây ngô, chuối, bã dong riềng làm thức ăn cho trâu, bò. Trồng, chăm sóc, thu hoạch cỏ phục vụ chăn nuôi, như cỏ ghi nê, cỏ voi VA06… Hướng dẫn người dân phương pháp dự trữ thức ăn bằng cách ủ chua, phơi khô… Bổ sung thức ăn tinh bằng bột ngô, bột sắn, cám gạo trong những ngày rét đậm, rét hại.

Chuẩn bị chuồng trại đảm bảo diện tích đủ nuôi nhốt trâu, bò. Kiểm tra, gia cố nền chuồng, mái che tường bao quanh đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo trong mùa đông, mưa gió, che chắn chuồng nuôi đủ ấm. Đặc biệt khi thời tiết chuyển rét người dân phải chủ động lùa đàn gia súc về, cấm thả rông.

Chuẩn bị các loại vật liệu để che chắn chuồng trại khi nhiệt độ xuống thấp, như: Dùng bạt, tấm nilon lớn hoặc các vật liệu khác để che kín chuồng nuôi đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa mưa hắt vào làm ẩm trong những ngày mưa rét. Dự trữ củi, trấu, lõi ngô… để đốt sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Đặc biệt là phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết khi nhiệt độ xuống dưới 120C, không cho gia súc làm việc hoặc cày kéo, không chăn thả gia súc ngoài đồng, ngoài bãi. Di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt và có thể kiểm soát được. Hướng dẫn bổ sung thức ăn tinh, cần cho uống nước ấm pha muối 0,1-0,3% sẽ giúp cho đàn gia súc chống rét tốt hơn, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho vật nuôi.

Vùng cao Sơn La chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc - Ảnh 4.

Để dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc, người dân trên địa bàn huyện Bắc Yên đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ, thân cây ngô... Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lầu A Tủa, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, thông tin: Hiện tổng đàn gia súc của xã có hơn 7.400 con chủ yếu là bò, lợn, dê... Rút kinh nghiệm từ ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2022, xã đã xây dựng kế hoạch tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại; chuẩn bị các loại vật liệu che chắn chuồng trại khi nhiệt độ xuống thấp hoặc mưa lớn. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh.

Ông Thào A Lẩu, bản Sồng Chống, xã Xím Vàng (huyện Bắc Yên), chia sẻ: Hiện gia đình tôi đang nuôi hơn 60 con trâu, bò, dê. Với số lượng đàn gia súc lớn tôi thường hay chăn thả ở trên rừng hoặc ở các thửa ruộng. Mỗi khi mùa đông đến, gia đình tôi đều chủ động gia cố chuồng trại, dự trữ rơm rạ, ủ chua làm thức ăn cho đàn trâu, bò, dê. Đồng thời, lùa đàn gia súc về gần nhà để tiện chăm sóc.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động của người dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Tin rằng, sẽ hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc khi bước vào mùa đông giá rét.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Bắc Yên hiện có đàn gia súc rất lớn, với 33.850 con bò, 7.550 con trâu, 17.550 con dê, gần 600 con ngựa.

Nguồn: http://trangtraiviet.vn/vung-cao-son-la-chu-dong-phong-chong-doi-ret-cho-dan-gia-suc-20221109111117179.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin