|
  • :
  • :

Tiềm năng kinh tế dưới tán rừng

Dưới tán rừng xanh mướt có những tiềm năng, lợi thế đã và đang được các chủ rừng, người dân đánh thức để tạo nguồn thu nhập thông qua việc khai thác lâm sản ngoài gỗ (LSNG), tín chỉ carbon, du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, ong mật... Tuy nhiên, việc khai thác các “kho báu” tiềm năng, lợi thế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra sự đột phá về hiệu quả kinh tế rừng.

Toàn tỉnh có tổng diện tích rừng hơn 591.000ha (trong đó diện tích có rừng gần 550.000ha, diện tích rừng trồng chưa thành rừng trên 41.700ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,7%. Diện tích rừng rộng lớn kèm theo hệ động vật, thực vật rất đa dạng, phong phú về giống loài, rừng đã mang lại cho người dân nhiều lợi ích thiết thực như cải thiện môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, ngăn ngừa sạt lở đất, tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập...

Ông Hồ Thao, Trưởng bản Ôốc, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) cho biết: Bản hiện có 69 hộ, 323 nhân khẩu, toàn bộ đều là người Khùa. Với vị trí địa lý nằm cạnh khu rừng thuộc dãy núi Giăng Màn, từ nhiều đời qua, do quỹ đất sản xuất nông nghiệp khan hiếm, trình độ dân trí thấp, nghề phụ không có, hầu hết người dân bản Ôốc mưu sinh lệ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác nguồn tài nguyên từ rừng. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới rừng ngày càng nghèo.

Hoạt động trải nghiệm du lịch sinh thái ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong.

Hoạt động trải nghiệm du lịch sinh thái ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong.

Kể từ khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực, nhiều diện tích rừng đã được quy chủ, người dân bản Ôốc đã sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên rừng nghiêm túc, có trách nhiệm hơn. Trong quá trình đi lấy đót, lá dong, lá nón, mây, tre, măng rừng, cây dược liệu, mật ong tự nhiên…, bà con luôn khuyên bảo nhau khi khai thác cần phải giữ lại tỷ lệ cây giống nhất định để rừng kịp phục hồi, tạo điều kiện để đồng bào mưu sinh ở mùa sau. Nhờ đó, nhiều diện tích rừng đến nay vẫn được bảo vệ tốt, mang lại nhiều cơ hội việc làm và tạo thêm thu nhập đáng kể để đồng bào an tâm ổn định cuộc sống.

Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) Động Châu-khe Nước Trong Bạch Thanh Hải chia sẻ: KDTTN Động Châu-khe Nước Trong hiện có tổng diện tích hơn 22.210ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 98%. Để phát huy tiềm năng, lợi thế dưới tán rừng, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, như: Helvetas, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam… triển khai thí điểm trồng 1ha cây dược liệu trà hoa vàng (với 20 loài), 500m2 nấm linh chi đỏ, 5ha nghệ đỏ, 10ha dong trắng, hơn 6.000 cây phân tán (gồm: Lim, dổi, huỷnh, xoan đào, lát hoa).

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp triển khai nuôi thí điểm 50 đàn ong ruồi để xây dựng sản phẩm OCOP; quảng bá, khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái “Khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời, Bãi Đạn”. Nếu việc thử nghiệm các mô hình này thành công, Ban Quản lý KDTTN Động Châu-khe Nước Trong sẽ từng bước tham mưu, trình cấp có thẩm quyền cho phép đơn vị triển khai nhân rộng nhằm đánh thức các “kho báu” dưới tán rừng Động Châu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng…

“Để việc khai thác những “kho báu” dưới tán rừng thực sự phát huy hiệu quả, trước hết, các chủ rừng cần chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác lâm sản dưới tán rừng; chủ động xây dựng phương án quản lý, phát triển rừng bền vững để các cơ quan chức năng có cơ sở xem xét, phê duyệt, từ đó tiến hành kêu gọi xúc tiến đầu tư; phát triển, sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương…” ông Phan Thanh Lộc, Phó trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.

Lâu nay, nhắc đến rừng là nhiều người chỉ quan tâm đến gỗ mà quên đi các giá trị khác của rừng như cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái, LSNG, dược liệu. Tuy nhiên, bằng nhiều hành động cụ thể, một số đơn vị, chủ rừng, người dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu hàng năm và lâu năm dưới tán rừng như sâm bố chính, sa nhân, bồ công anh, bách bộ, mật nhân…; phát triển chăn nuôi dưới tán rừng như trâu, bò, dê, ong mật; khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái như suối Chà Rào, Chà Cùng (xã Trường Sơn, Quảng Ninh); thác Dương Cầm (xã Kim Thủy), hang Chà Lòi, khe Nước Lạnh (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy)…

Nổi bật, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ gần 450 triệu đồng để tiến hành trồng 14,3ha cây dược liệu (gồm: Cây lá khôi, ba kích, thiên niên kiện) tại xã Thượng Hóa, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa), xã Hương Hóa (Tuyên Hóa), xã Hưng Trạch (Bố Trạch), xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Mục tiêu của việc hỗ trợ nói trên nhằm làm cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, làm cơ sở để nhân rộng sang các diện tích khác; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi; góp phần ổn định cuộc sống cho người dân và bảo vệ rừng bền vững; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kết hợp bảo vệ rừng và khai thác, sử dụng cây dược liệu dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Có thể khẳng định, việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế dưới tán rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho các chủ rừng, người dân trên địa bàn tỉnh, tạo thêm cơ hội việc làm, phù hợp với “Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” của UBND tỉnh tại Quyết định số 3646/QĐ-UBND, ngày 11/11/2021.

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202407/tiem-nang-kinh-te-duoi-tan-rung-2219739/