|
  • :
  • :

Tạo vị thế mới cho nông sản

Xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) không chỉ giúp sản phẩm nông nghiệp có được “tên tuổi”, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường mà còn góp phần bảo tồn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Đồng hành xây dựng thương hiệu bền vững

Ông Phan Trung Thông, GIám đốc Công ty CP TOPFA Việt Nam 

Xây dựng thành công NHTT, NHCN không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương mà còn giúp cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu được chặt chẽ hơn, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chính vì ý nghĩa đó, Quảng Bình đã luôn quan tâm, xây dựng và phát triển NHTT, NHCN. Một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương nhờ đó đã khẳng định được tính bền vững của “thương hiệu”, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Đồng hành, tư vấn hoạt động cho các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã và các tổ chức chính trị, xã hội, bên cạnh việc tư vấn xây dựng thành công NHTT cho các sản phẩm sen Hải Lăng, ớt Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị…, công ty cũng đã hỗ trợ tư vấn xây dựng NHTT, NHCN cho các sản phẩm gà đồi Tuyên Hóa, bưởi Tuyên Hóa, nước mắm Nhân Nam và đang tiếp tục tư vấn triển khai với sản phẩm hàu Quán Hàu, mật ong Phong Nha... của Quảng Bình.

Gà đồi Tuyên Hóa, một trong những sản phẩm xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận.

Gà đồi Tuyên Hóa, một trong những sản phẩm xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, công ty sẽ phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng ISO, HACCP, VietGAP và tư vấn OCOP cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương. Các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu và thiết kế, cải tiến mẫu mã, bao bì..., qua đó, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường…

Quảng Bình hiện có 22 NHTT, NHCN đã được cấp. Xây dựng thành công NHTT, NHCN đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm từ khoảng 20-25%, chính điều đó đã thu hút các địa phương, người dân và chủ thể sản xuất ngày càng quan tâm xây dựng NHTT, NHCN. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng sản phẩm xây dựng thành công NHTT, NHCN vẫn còn rất “khiêm tốn” so với lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Xây dựng và phát triển NHTT, NHCN không phải là việc làm “ngày một, ngày hai” mà đòi hỏi phải có thời gian, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành trong tỉnh và đặc biệt là sự vào cuộc của chính người dân, các chủ thể sản xuất. Có như vậy, NHTT, NHCN mới được xây dựng và phát triển bền vững.

TH.H (thực hiện)

Triển vọng “hàu Quán Hàu”

Ông Lê Thế Triển, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh

Sông Nhật Lệ đoạn qua thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh và Võ Ninh (Quảng Ninh) dài khoảng 3km với môi trường khá phù hợp cho hàu cửa sông phát triển. Một số hộ dân nơi đây đã phát triển nghề nuôi hàu thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để mô hình nuôi hàu phát triển theo hướng bền vững, góp phần nâng tầm thương hiệu, tháng 8/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “hàu Quán Hàu” cho sản phẩm hàu của thị trấn Quán Hàu.

Đến nay, nhiệm vụ mới được 1/3 chặng đường nhưng nhiều công việc quan trọng đã được hoàn tất, như: Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng khai thác, sản xuất, buôn bán hàu; xác định tính đặc trưng của sản phẩm hàu Quán Hàu làm căn cứ thực tiễn và khoa học phục vụ đăng ký bảo hộ NHCN; lập được bản đồ khoanh vùng có sản phẩm hàu Quán Hàu đúng thực tế và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; hoàn thiện hồ sơ và được UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh Quán Hàu để đăng ký NHCN; thiết kế logo để đăng ký bảo hộ NHCN và nhãn mác sản phẩm…

Trong tương lai không xa, “hàu Quán Hàu” sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Quảng Ninh có nhãn hiệu chứng nhận sử dụng tên địa danh.

Trong tương lai không xa, “hàu Quán Hàu” sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Quảng Ninh có nhãn hiệu chứng nhận sử dụng tên địa danh.

Có thể nói, những “bước đi” đầu tiên này đã mở ra hướng phát triển mới cho thương hiệu hàu của Quảng Ninh. Tuy nhiên, với thời gian thực hiện 36 tháng, nhiều nội dung, quy trình, thủ tục vẫn đang được tiếp tục triển khai, như: Xây dựng hệ thống các công cụ phục vụ công tác quản lý, khai thác và phát triển giá trị NHCN; vận hành hệ thống quản lý sử dụng NHCN; xây dựng và quản lý hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; in ấn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hoàn thiện công bố chất lượng sản phẩm…

Trên địa bàn huyện Quảng Ninh hiện đã có một số sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể sử dụng tên địa danh, như: Rượu Võ Xá, khoai deo Hải Ninh, gạo Vĩnh Tuy. Trong tương lai không xa, “hàu Quán Hàu” sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện có NHCN sử dụng tên địa danh. Đây sẽ là cơ sở để Quảng Ninh quảng bá rộng rãi thủy sản đặc sản, truyền thống gắn với hình ảnh quê hương đến với du khách gần xa; đồng thời, đúc rút kinh nghiệm trong xây dựng NHCN cho các sản phẩm khác tại địa phương.

Đặc biệt, nhiệm vụ phát triển NHCN “hàu Quán Hàu” hoàn thành sẽ góp phần trong việc bảo tồn, nâng cao giá trị thủy sản đặc trưng và thúc đẩy phát triển diện tích nuôi trồng của người dân; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân khai thác, sử dụng NHCN, đáp ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP.

Thùy Lâm (thực hiện)

Nỗ lực hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu

Hiện, TX. Ba Đồn có 2 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (NHTT) sử dụng tên địa danh, gồm: Tỏi Quảng Minh và nón lá Ba Đồn. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng cho thấy việc triển khai đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp ngày càng được thị xã chú trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn, thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình hành động của Thị ủy Ba Đồn về phát triển thương mại-dịch vụ giai đoạn 2020-2025 và các văn bản pháp luật liên quan, thời gian qua, UBND thị xã đã tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở KH-CN và nguồn kinh phí của địa phương để tiến hành hỗ trợ các nội dung về đăng ký NHTT cho các địa phương, đơn vị: Hợp tác xã sản xuất tỏi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Cồn Nâm và Hội Nông dân TX. Ba Đồn để tiến hành xây dựng hồ sơ công nhận NHTT với kinh phí gần 200 triệu đồng.

Nón lá Ba Đồn được cấp nhãn hiệu tập thể.

Nón lá Ba Đồn được cấp nhãn hiệu tập thể.

TX. Ba Đồn cũng quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân các bước trong việc lập hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của địa phương... Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân đã có sự quan tâm đến việc bảo hộ các thành quả lao động do mình tạo ra.

“Nhằm tiếp tục nhân rộng việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp với mục tiêu khai thác hiệu quả các tiềm năng và nâng tầm giá trị nông sản địa phương, TX. Ba Đồn đang nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm. Hiện tại, thị xã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ Hội Nông dân TX. Ba Đồn và Hợp tác xã sản xuất đũa gỗ Quảng Thủy đăng ký và hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận NHTT sử dụng tên địa danh cho 3 sản phẩm, gồm: Ram Ba Đồn, men riềng Quảng Long, đũa Quảng Thủy. Thị xã còn phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ chế biến mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm bảo hộ, như: Bánh xèo, bánh đúc Quảng Hòa; ruốc, nước mắm Nhân Thọ (phường Quảng Thọ); nem chua Quảng Long; sợi bột cháo canh Ba Đồn...”, ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.

N.L (thực hiện)

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202407/tao-vi-the-moi-cho-nong-san-2219695/