|
  • :
  • :

Thời tiết hỗ trợ giá cao su tăng trở lại, cạnh tranh xuất khẩu ngày càng khốc liệt

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay tăng do giá cao su tổng hợp tăng, khi dự đoán thời tiết ẩm ướt kéo dài tại quốc gia sản xuất hàng đầu – Thái Lan – đã góp phần hỗ trợ giá.

TT cao su châu Á ngày 20/6: Thời tiết ẩm ướt kéo dài tại Thái Lan đã hỗ trợ giá 

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay tăng do giá cao su tổng hợp tăng, khi dự đoán thời tiết ẩm ướt kéo dài tại quốc gia sản xuất hàng đầu – Thái Lan – đã góp phần hỗ trợ giá. Nhu cầu mạnh hơn từ Thái Lan trong ngắn hạn và các nhà đầu tư cân nhắc sửa đổi dự báo cho rằng nhu cầu cao su sẽ vượt xa nguồn cung trong năm nay.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa tăng 1,5 JPY, tương đương 0,45% chốt ở 332 JPY (2,1 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 195 CNY, tương đương 1,31% chốt ở 15.080 CNY (2.077,51 USD)/tấn. Cũng trên sàn giao dịch này, hợp đồng cao su tổng hợp butadiene (SBR) giao kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 75 CNY, tương đương 0,5% chốt ở 15.210 CNY (2.095,42 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 171,4 US cent/kg, giảm 0,3%.

Giá tấm cao su hun khói xuất khẩu chuẩn của nhà sản xuất hàng đầu Thái Lan (RSS3) và cao su khối giảm lần lượt 2,1% và 0,79%.

Đồng Yên Nhật sụt giảm so với đồng USD giao dịch ở mức 158,05 JPY đổi 1 USD, không quá xa mức thấp một tháng ở 158,255 JPY/USD hồi tuần trước. Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên phải chăng hơn với các khách hàng nước ngoài.

Cơ quan khí tượng của nước sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan cảnh báo, mưa lớn kéo dài và lũ quét ở Thái Lan từ ngày 21 – 25/6/2024 có thể tác động tiêu cực đến năng suất cao su.

Cao su styren-butadien là vật liệu cơ bản cho phần lớn các loại cao su tổng hợp. Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Giá dầu giảm sau khi đạt mức cao nhất trong 7 tuần do lạc quan về nhu cầu mùa hè, và lo ngại xung đột leo thang, đồng thời dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.

Thời tiết hỗ trợ giá cao su tăng trở lại, cạnh tranh xuất khẩu ngày càng khốc liệt- Ảnh 1.

Từ đầu tháng 6/2024 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á có nhiều phiên tăng mạnh so với cuối tháng trước trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung thắt chặt và sự lạc quan rằng việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giá cao su xuất khẩu cũng tốt hơn song cạnh tranh đang ngày càng gay gắt.

Đơn cử: Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, 4 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản nhập khẩu 258,83 nghìn tấn cao su (HS:4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 73,09 tỷ Yên (tương đương 469,07 triệu USD), tăng 2,8% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Nhật Bản.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 7 cho Nhật Bản với 3,25 nghìn tấn, trị giá 834,78 triệu Yên (tương đương 5,35 triệu USD), tăng 2,1% về lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,26% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Nhật Bản, tương đương so với 4 tháng đầu năm 2023.

Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nhật Bản mặc dù tăng nhẹ, nhưng vẫn chịu cạnh tranh từ nhiều thị trường cung cấp khác, đặc biệt là từ Indonesia (chiếm 48,26% tổng lượng nhập khẩu cao su của Nhật Bản) và Thái Lan (chiếm 32,56% tổng lượng nhập khẩu cao su của Nhật Bản). Lượng và trị giá nhập khẩu cao su của Nhập Bản từ Thái Lan tăng khá so với cùng kỳ năm 2023.

Về chủng loại nhập khẩu: Trong 4 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Trong đó, nhập khẩu cao su tự nhiên chiếm 80,39% tổng lượng cao su nhập khẩu của Nhật Bản, phần còn lại là cao su tổng hợp, cao su tái sinh và cao su hỗn hợp. Lượng và trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên, cao su hỗn hợp và cao su tổng hợp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản nhập khẩu 208,08 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 53,29 tỷ Yên (tương đương 342,02 triệu USD), tăng 3,2% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Nhật Bản.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Nhật Bản, với 3,2 nghìn tấn, trị giá 821,48 triệu Yên (tương đương 5,27 triệu USD), tăng 0,6% về lượng và tăng 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản chiếm 1,54%, thấp hơn so với mức 1,58% của 4 tháng đầu năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường: Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Xri Lan-ca; Trong khi giảm nhập khẩu từ các thị trường: Indonesia, Campuchia, Malaysia… Tuy nhiên, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản còn rất thấp, Việt Nam chưa xuất khẩu nhiều chủng loại cao su sang Nhật Bản, chủ yếu chỉ là cao su khối SVR3L. Thị trường cao su Nhật Bản vẫn rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, do đó các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, thời gian giao hàng và đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản nhập khẩu 45,41 nghìn tấn cao su tổng hợp (HS 4002), với trị giá 17,38 tỷ Yên (tương đương 111,55 triệu USD), tăng 2,7% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hoa Kỳ và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2024. Trừ Đài Loan và Thái Lan, nhập khẩu cao su tổng hợp của Nhật Bản từ 3 thị trường còn lại đều sụt giảm về lượng so với cùng kỳ năm 2023.

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2024 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Singapore, HoaKỳ, Thái Lan giảm; Trong khi thị phần của Đài Loan (Trung Quốc) có xu hướng tăng so với cùng kỳnăm 2023.

Nguồn: https://trangtraiviet.danviet.vn/thoi-tiet-ho-tro-gia-cao-su-tang-tro-lai-canh-tranh-xuat-khau-ngay-cang-khoc-liet-20240620150528603.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin