|
  • :
  • :

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, huyện Cao Lãnh triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian qua, các ngành các cấp trên địa bàn huyện Cao Lãnh tập trung hỗ trợ nông dân phát triển bền vững ngành hàng chanh

Xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực

Theo UBND huyện Cao Lãnh, trong những tháng đầu năm, địa phương triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực. Đối với ngành lúa gạo, huyện tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất để hình thành vùng lúa chất lượng cao và giống, cùng với hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng cơ giới hóa tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc và thu hoạch. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm 90%, sản xuất theo hướng giảm giá thành chiếm 95% diện tích xuống giống, giảm giá thành sản xuất từ 50 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm khoảng 22 - 26 triệu đồng/ha.

Ngành hàng xoài, huyện tập trung hình thành vùng chuyên canh ở các xã ven Quốc lộ 30, tổng diện tích hơn 5.360ha, sản lượng thu hoạch trong mùa thuận trên 64.300 tấn. Thời gian qua, nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất (sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ, tưới bằng hệ thống tự động...) gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, giúp ổn định đầu ra sản phẩm...

Với ngành hàng sen, huyện tập trung phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng, an toàn, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững; triển khai mô hình sen cá, quy mô 10ha tại xã Phương Thịnh; phát triển chuỗi giá trị ngành hàng sen, liên kết làm vùng nguyên liệu cho Công ty TNHH ECOLOTUS Việt Nam, Tổ hợp tác Sen LeBo...; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP, triển khai thực hiện sản phẩm OCOP chế biến từ sen (sen lụa, trà tim sen) tại xã Gáo Giồng, Phương Thịnh, Ba Sao...

Đối với ngành hàng cá điêu hồng, huyện duy trì vùng nuôi ở các xã: Bình Thạnh, Mỹ Hiệp, Mỹ Long và Mỹ Xương trên 2.000 lồng, bè, sản lượng hàng năm ước đạt 27.110 tấn; thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo môi trường vùng nuôi, có 459 lồng/65 hộ cam kết sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, huyện tập trung phát triển các ngành hàng tiềm năng như: chanh, ổi, vịt, ếch, sầu riêng... theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị. Toàn huyện hiện có 67 sản phẩm OCOP, gồm 21 sản phẩm OCOP 4 sao và 46 sản phẩm OCOP 3 sao; có 100% sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử...

Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến nay, toàn huyện có 6 xã đạt 19 tiêu chí (Bình Thạnh, Mỹ Xương, An Bình, Bình Hàng Tây, Mỹ Hiệp, Mỹ Long); các xã Tân Nghĩa đạt 18 tiêu chí, Bình Hàng Trung đạt 16 tiêu chí...

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết: “Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, huyện tập trung tổ chức lại sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đạt được kết quả tích cực. Qua đó, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan ngày càng khởi sắc, tạo được điểm sáng nhằm lan tỏa trong Nhân dân; có nhiều địa phương thực hiện tốt tuyến đường kiểu mẫu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư và diện mạo nông thôn thay đổi khang trang hơn; công tác dạy nghề, giới thiệu và tạo việc làm ngày càng nâng cao hiệu quả, tạo thu nhập, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân...”.

Huy động nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Theo UBND huyện Cao Lãnh, để nâng cao hiệu quả trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực và giải ngân các nguồn vốn đầu tư các công trình thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động; tập trung đầu tư những công trình có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn (ưu tiên đối với 8 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới 2021 - 2025) để hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn làng nghề và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên bản địa; vận động hình thành và phát triển mô hình du lịch, phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP; ưu tiên, khuyến khích phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn; hoàn thành bộ sưu tập tre tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch tại Làng du lịch cộng đồng Mỹ Xương, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh để kết nối với các điểm du lịch của TP Sa Đéc và TP Cao Lãnh, nhằm tạo động lực thu hút phát triển du lịch trên địa bàn.

Huyện chú trọng đầu tư các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quan tâm hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm đối với các hợp tác xã đủ điều kiện nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, thành viên hợp tác xã; tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, phục vụ xuất khẩu, tạo thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị ngành hàng, tham gia sản phẩm OCOP, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân; tập trung xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa nông sản, khuyến khích người dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, sản phẩm chất lượng, an toàn gắn với đẩy mạnh truyền thông giới thiệu sản phẩm...

Nguồn: http://baodongthap.com.vn/nong-nghiep/phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-va-giam-ngheo-ben-vung-123842.aspx