Mô hình trồng xen canh rau thơm với cây ăn quả ở Tuyên Quang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
Hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Phương thức sản xuất cũ mất nhiều công sức của nông dân nhưng không đem lại hiệu quả quả kinh tế. Thời kỳ hội nhập đã giúp người nông dân dễ dàng tiến cận được với những kiến thức khoa học tiến bộ, áp dụng vào hoạt động sản xuất. Những mô hình kinh tế nông nghiệp mới đã thu hút nhiều người tham gia khởi nghiệp và lập nên các trang trại hướng đến thực hành nông nghiệp an toàn, bền vững và tạo ra các sản phẩm bản địa.
Ông Phạm Thành Tri, ở xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) là một trong những người đầu tiên tại địa phương áp dụng phương thức sản xuất mới theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm khuyến nông, đem lại hiệu qủa kinh tế và được đông đảo bà con làm theo. Ông Tri cho biết, trước đây làm nông nghiệp không đồng bộ, mỗi người một hướng nên không hiệu quả, sản phẩm thu hoạt chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của thị trường, khiến giá cả luôn bấp bênh. Trong một lần đi thăm quan mô hình nông nghiệp mới, ông Tri được các cán bộ nông nghiệp giới thiệu tham gia nhóm chăm sóc cây trồng và nắm bắt được nhiều thông tin về kiến thức trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều lần làm theo hướng dẫn, tôi đã thành công khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ trong việc chăm sóc cây trồng. Cây ăn trái phát triển tốt hơn, không bị sâu bệnh và đặc biệt đảm bảo được tính ổn định và bền vững, ông Phạm Thành Tri chia sẻ.
Không chỉ ông Tri, nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ có định hướng của cán bộ nông nghiệp đã dần trở nên chuyên nghiệp trong hoạt động khi cùng ngồi lại với nhau để tính toán những thuận lợi, khó khăn, lợi ích đem lại từ việc áp dụng kiến thức mới, hướng tới nông nghiệp sinh thái bền vững. Sự hiểu biết của họ về nông nghiệp sinh thái nói chung cùng các thực hành để sản xuất các sản phẩm xanh, an toàn và bổ dưỡng đang từng bước chinh phục thị trường và được người tiêu dùng ưa thích.
Là một trong những người khởi nghiệp thành công khi xây dựng nên thương hiệu Ngỗng - An Biên Food, anh Bùi Ngọc Cường (Hải Phòng) khiến nhiều người thán phục bởi tư duy nhạy bén, có nhiều ý tưởng trong việc sử dụng sản phẩm hữu cơ. Đặc biệt, anh đã làm tốt sứ mệnh kết nối những nông dân làm nông nghiệp sạch, giúp họ tạo ra những sản phẩm an lành tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng. Một trong những điều khiến anh Cường trăn trở là chứng kiến người nông dân Việt Nam cứ lăn ra làm, sản xuất, đến khi thu hoạch mới tìm đầu ra, mới đi giải cứu sản phẩm. Anh Cường chia sẻ để một sản phẩm tốt, chất lượng đến được tay người tiêu dùng là một quãng đường quá xa với biết bao công đoạn: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, marketing, phân tích thị trường, chăm sóc khách hàng, xây dựng niềm tin với khách hàng. Người nông dân dù có kinh nghiệm trong sản xuất nhưng không có tư duy thị trường và định hướng thì không thể vươn xa…
Tiêu chí đầu tiên trong sản phẩm nông nghiệp của của Cường là sạch và coi trọng điều đó hơn tất cả những tờ giấy chứng nhận. Theo Cường, sản xuất hữu cơ, cơ bản đã có quy trình, cái khó chính là làm thay đổi thói quen canh tác và làm nông nghiệp của người nông dân. Để sản xuất hữu cơ, người nông dân đó phải thực sự kiên trì và cầu thị. Các thương hiệu mà anh Cường đã xây dựng cho người nông dân gắn với đúng hình ảnh, tên tuổi của họ như: Cam Chú Phúc, bột sắn dây Ông Hoà,… Bởi vậy, chính người nông dân là người có trách nhiệm với thương hiệu, uy tín của mình.
Ngỗng - An Biên Food dần trở thành doanh nghiệp xã hội đồng hành cùng nông dân, chuyên gia và khách hàng xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, nhằm mang đến những sản phẩm nông nghiệp an toàn, tự nhiên và hữu ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội. Thông qua các sản phẩm, hoạt động và dự án, 51% lợi nhuận của doanh nghiệp được dành để đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân và người yếu thế trong cộng đồng, kết nối xây dựng hệ sinh thái tương hỗ trong nông nghiệp...
Trang bị kiến thức để nông dân phát huy vai trò chủ thể
Những năm gần đây, nhiều giải pháp về nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhìn chung đã được địa phương quan tâm và từng bước áp dụng, tuy nhiên sự hiểu biết vẫn còn rất hạn chế và thiếu các công cụ để đánh giá về tính hiệu quả. Nhiều hội thảo được tổ chức tại các địa phương gần đây cho thấy, việc phát triển nông nghiệp sinh thái phải gắn với sự hiệu quả về kinh tế. Nhiều chuyên gia khẳng định, nông nghiệp sinh thái phải được xem là một lựa chọn thay đổi cho nền nông nghiệp thâm canh hóa học hiện nay, nhằm tăng cường năng lực sáng tạo của người dân trong các chiến lược thích ứng, thu được thành quả sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất (trên đồng vốn đầu tư), bền vững (bảo vệ được các dịch vụ sinh thái), cũng như bảo đảm chất lượng nông sản, sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng nói chung, tăng năng lực tự chủ sản xuất, năng lực xuất khẩu quốc gia và chất lượng môi trường sống chung cho mọi người.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hệ sinh thái kinh tế nông thôn là nền tảng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông thôn, tạo ra sự liên kết trong sản xuất, bảo quản, sơ chế nông sản. Kinh tế nông thôn là một hệ sinh thái, là nền tảng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông thôn, chỗ dựa tạo ra sự liên kết từ sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến…
Trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, để nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, các cấp Hội cần trang bị cho nông dân có đủ kiến thức để thay đổi. Muốn nông dân thay đổi tư duy cần thúc đẩy "nhu cầu đổi mới” của nông dân; trang bị cho nông dân có đủ kiến thức để thay đổi chứ không thể bảo nông dân thay đổi là thay đổi ngay được nếu như vẫn cách nghĩ cũ, cách làm cũ thì rất khó để phát triển, đột phá. Như vậy, các cấp Hội phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, Hiệp hội để tận dụng các kiến thức khoa học; huy động các nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cho hội viên nông dân có đủ kiến thức, đủ năng lực để làm chủ và phát huy vai trò chủ thể.
Ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, giai đoạn tới cần phát triển nguồn nhân lực nông thôn để đáp ứng nhu cầu cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững. Đặc biệt, muốn phát triển nông nghiệp sinh thái hiệu quả cần quan tâm thu hút đội ngũ trẻ có tri thức, năng lực về công tác tại nông thôn, đáp ứng nhu cầu chuyển hướng nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao…
Đỗ Bình