Người thợ bó chổi dùng dây cước trắng buộc chặt (theo cách bện nong mốt) để cọng chổi không dễ rơi, rớt khi quét. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Đến làng chổi cọng dừa, rải rác từng nhà ở các ấp, các thợ thủ công lành nghề đang tất bật với công việc, tay mỗi người thoăn thoắt làm nên những cây chổi được bó thật đều, thật chặt và đẹp. Có thâm niên làm chổi gần 30 năm, cô Lê Thị Mai (62 tuổi) ngụ ấp An Hòa chia sẻ, làm chổi cọng dừa không khó nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo, kiên nhẫn. Theo cô Mai, để có một cây chổi hoàn chỉnh, bền chắc, người thợ phải trải qua 4 - 5 công đoạn. Việc đầu tiên là làm mái chổi - công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt bện (kết) cọng dừa, mỗi lần bện, thợ lại lấy dây cước trắng buộc chặt (theo cách bện nong mốt) để cọng chổi không dễ rơi, rớt khi quét. Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng thêm "cây nêm" (lấy phần thân tàu dừa) vào cán chổi để tăng độ cứng, bền; cuối cùng là danh chổi. Chỉ riêng công đoạn danh đầu cán chổi, người thợ dùng máy chặt cho đều và đẹp, còn tất cả các công đoạn khác đều làm bằng thủ công. Vì thế, người thợ mất khá nhiều công sức mới hoàn thành một cây chổi bền, đẹp.
Theo những người thợ lành nghề như cô Mai, vào những tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch là cao điểm hút hàng của nghề làm chổi cọng dừa. “Vào thời điểm cận Tết, người người dọn dẹp, nhà nhà dọn dẹp nên chổi cọng dừa bán rất chạy. Cứ vài ba ngày là có “mối” đến lấy hàng rồi chở đi phân phối cho các địa bàn khác trong tỉnh. Nhiều người phải chong đèn đến tận khuya để bó chổi nhưng ai cũng vui, bởi đó là sức sống của một làng nghề, giúp người dân sống được với nghề.
Tại cơ sở của gia đình chị Nguyễn Thị Chi (46 tuổi), trung bình mỗi ngày có khoảng 15 người bó chổi “để ăn công”. Theo chị Chi, mỗi người kiếm được vài chục ngàn đồng một ngày, tùy theo làm được nhiều hay ít sản phẩm. Mỗi một cây chổi cọng dừa, đối với loại hàng thông thường, người lao động được trả tiền công từ 1.500 - 1.800 đồng, nếu là hàng đặt (chất lượng tốt hơn) được trả công 2.000 đồng. Mỗi lao động bó chổi bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Đối với hoàn cảnh không đất sản xuất như bà Phạm Thị Tí (63 tuổi), việc gia công bó chổi là nghề nông nhàn, có thể giúp chủ động thời gian. “Tuy không giàu có nhưng nghề này giúp phụ nữ, trong đó có người lớn tuổi, có được cuộc sống ổn định trong tuổi xế chiều”, bà Tí chia sẻ. Trung bình mỗi ngày, bà nhận gia công khoảng 35 - 40 cây chổi, thu nhập từ 70 - 80.000 đồng/ngày.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An Trần Văn Tây cho biết, nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp trong xã nhưng tập trung nhiều nhất là ở ấp An Hòa - điểm xuất phát đều tiên của làng nghề. Lúc đầu, chỉ có vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở địa phương. Đến năm 2006, nghề bó chổi ở ấp An Hòa bắt đầu phát triển mạnh và trở thành nơi cung ứng sản phẩm cho thị trường các tỉnh phía Bắc và miền Đông Nam Bộ, đặc biệt còn xuất sang thị trường Campuchia.
Hiện làng nghề bó chổi được nhân rộng ra ở 6 ấp của xã gồm Thạnh Hưng, Thạnh Mỹ, An Bình, An Hòa, An Hòa B và An Khương, với gần 40 cơ sở sản xuất, giải quyết trên 500 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Trung bình mỗi ngày, làng nghề sản xuất được hơn 2.500 sản phẩm. Để có đủ nguyên liệu cọng lá dừa nhằm phục vụ cho sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, các cơ sở sản xuất ở đây thu mua thêm nguyên liệu từ các nơi khác như: Mỏ Cày, Ba Tri...
Theo Bí thư Đảng ủy xã, năm 2011, làng nghề bó chổi ấp An Hòa - Mỹ An được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp thứ 18 của tỉnh Bến Tre, mở ra một hướng mới cho việc phát triển sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2012, làng nghề bó chổi Mỹ An được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi để làng nghề bó chổi Mỹ An phát triển, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn nữa. Đến năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chổi Mỹ An”, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm “Chổi Mỹ An” và hiểu biết thêm về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ hội mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm chổi Mỹ An.
Để giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống, hằng năm địa phương khai giảng từ 1 - 2 lớp đào tạo nghề bó chổi cọng dừa cho khoảng 50 lao động để nâng cao tay nghề. Hiện tại, Mỹ An đang triển khai các biện pháp củng cố, hoàn thiện Tổ hợp tác liên kết sản xuất bó chổi ấp An Hòa, hướng đến thành lập Hợp tác xã làng nghề bó chổi, tạo đầu ra tập trung giúp người dân an tâm trong sản xuất; đồng thời trong thời gian tới sẽ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để người dân mở rộng sản xuất. Đặc biệt, xã đang đăng ký và hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, Bí thư Đảng ủy Trần Văn Tây thông tin.
Trong điều kiện phát triển du lịch của Bến Tre hiện nay, loại hình du lịch làng nghề đang dần khẳng đỉnh sự phát triển mới như một xu hướng tất yếu. Vì vậy, làng nghề bó chổi Mỹ An sẽ hướng tới việc thu hút được khách du lịch tham quan để tạo thêm một nguồn thu nhập ổn định từ du lịch. Khách đến tham quan làng nghề vừa được trải nghiệm sản phẩm nơi làng nghề, xem nghệ nhân biểu diễn, vừa tiêu thụ sản phẩm làng nghề tại chỗ...cũng là cách để góp phần gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống của địa phương.
Chương Đài