|
  • :
  • :

Phát triển bền vững nông nghiệp đô thị

Các cấp, ngành, địa phương của TP Hồng Ngự thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp đô thị. Từ đó, tạo sự đồng tình chung sức thực hiện, làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, phù hợp với loại hình đô thị hóa trong phát triển kinh tế đô thị của thành phố.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3 từ trái sang) khảo sát thực tế mô hình nuôi lươn của Hội quán Bình Lý (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự)

Qua 2 năm triển khai Chương trình hành động số 16 ngày 15/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồng Ngự về phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 -  2025, UBND TP Hồng Ngự chỉ đạo các phòng, ban, ngành thành phố và các xã, phường triển khai nhiều loại hình phát triển kinh tế phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính; nuôi lươn sinh sản trong ao đất lót bạt; trồng hoa kiểng - bonsai; nuôi cá kiểng và chim kiểng... Những mô hình sản xuất này không cần diện tích lớn nhưng mang lại giá trị kinh tế cao, sản phẩm tạo ra theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và có thể phát triển lâu dài trong tương lai trên địa bàn thành phố.

UBND TP Hồng Ngự chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập Đề án phát triển nông nghiệp đô thị thành phố giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án). Đến nay, Đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện, hướng đến mô hình nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, bền vững, lâu dài, gắn với điều kiện đô thị hóa của thành phố. Ngoài ra, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, có thương hiệu được các ngành, các cấp trong thành phố quan tâm, đến nay, thành phố có 9 cơ sở trồng lúa được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng diện tích 1.780ha; thực hiện mô hình truy xuất nguồn gốc tại Tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP khu 3 (phường An Bình B) với diện tích 15ha...

Ông Phạm Văn Lượm - Chủ nhiệm Hội quán Bình Lý (xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự), cho biết: “Hưởng ứng việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố trên địa bàn xã Bình Thạnh, đến nay, Hội quán Bình Lý có 35 thành viên tham gia mô hình nuôi lươn sinh sản và thương phẩm. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật về nuôi lươn, nhiều người dân trên địa bàn xã tận dụng diện tích đất ở hoặc đất ruộng gần nhà để nuôi lươn giống (lươn sinh sản), lươn thịt cho thu nhập khá. Đặc biệt, nhiều hộ nuôi lươn giống xuất bán mỗi tháng khoảng 10.000 con giống, có thu nhập hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Dự án “Ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong ương giống và nuôi lươn đồng thương phẩm quy mô nông hộ tại TP Hồng Ngự” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì. Đây là tín hiệu vui cho người dân thực hiện mô hình nuôi lươn tại xã Bình Thạnh nói riêng và TP Hồng Ngự nói chung”.

Để thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND TP Hồng Ngự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu sản xuất tập trung gắn với quy hoạch: sử dụng đất, đô thị, phát triển nông nghiệp, đảm bảo yếu tố bảo vệ cảnh quan và môi trường, tính liên kết giữa các địa phương. Song song đó, hình thành vùng trồng tập trung ứng dụng công nghệ cao, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn địa phương.  Liên quan đến thực hiện Đề án, tiếp tục phát triển 4 ngành hàng chủ lực gắn liền với địa danh Hồng Ngự gồm lúa, cá tra, lươn, cây ăn trái, tùy theo điều kiện tự nhiên của từng xã, phường xây dựng kế hoạch phát triển cho phù hợp. Đến nay, cả 4 ngành hàng đều phát triển sản xuất theo hướng tập trung với quy mô lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế cao.

TP Hồng Ngự tập trung xây dựng kế hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong thành phố, tỉnh và xuất khẩu. Vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển của từng địa phương, tập trung sản xuất những đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng, dễ tiêu thụ, phù hợp với các nội dung của Quyết định số 885 ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 và định hướng của tỉnh.

Nguồn: http://baodongthap.com.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nong-nghiep-do-thi-116037.aspx