Gia đình ông Ông Trần Quốc Hương, thôn Đìa Mối, xã An Sinh, thị xã Đông Triều đang cải tạo gần 1ha vườn trồng na theo hướng "rải vụ" để có thêm thu nhập vào dịp Tết Nguyên đán. "Rải vụ" là kỹ thuật canh tác được những người trồng na lâu năm như ông Hương tìm tòi, nghiên cứu để có thêm vụ na cuối năm với chất lượng quả tốt nhất. Và quan trọng hơn, cách làm này giúp người trồng na ở Đông Triều giải quyết bài toán "được mùa, mất giá".
"Gia đình đang làm rải vụ, kéo giãn sản phẩm, rất là hiệu quả. Trước lấy 20 cân quả/cây, giờ chỉ lấy 10-12 cân/kg. Chính vụ các nơi đều có, rải vụ thì xử lý hoa, đậu quả là do mình quyết định. Chính vụ đang bán hơn 40.000/kg. Rải vụ bán 75.000 đồng - 80.000 đồng/kg, đã 5, 6 năm nay gia đình tôi làm và giờ người làng làm theo" - ông Trần Quốc Hương nói.
Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có trên 900 ha trồng na, trong đó gần 400ha được chứng nhận VietGap. Năm nay sản lượng na đạt gần 12.000 tấn, diện tích trồng ở 14/21 xã, phường của thị xã. Bước vào đầu vụ thu hoạch, na dai Đông Triều đang được giá từ 45.000 đồng đến 50.000đ/kg. Riêng na bở được thương lái thu mua tận vườn với giá 120.000đ/kg (loại 300-350 gram/quả) do diện tích trồng na bở chỉ chiếm khoảng 70ha.
Ông Nguyễn Văn Nam, thương lái thu mua na Đông Triều cho biết: "Cũng do người dân tâm lý sợ giá cả bấp bênh nên đầu mùa cũng vội, cắt sớm. Nhưng chúng tôi cũng thu mua với giá ổn định, không thể cắt non và cũng không ép giá người dân, phải đủ ngày đủ tháng. Sản lượng năm nay chỉ đạt khoảng 70% nên giá Na chắc chắn ổn định hơn những năm trước".
Đông Triều là vùng trồng na lớn ở khu vực phía Bắc với nhiều nhà vườn đã canh tác hàng chục năm. Để duy trì và nâng cao thương hiệu quả na, thị xã Đông Triều đang thực hiện cải tạo vùng trồng với mục tiêu tăng diện tích trồng lên gần 1.000ha, trong đó diện tích trồng na bở đạt khoảng 140 ha. Ngoài ra, người dân cũng tiến hành cải tạo, thay thế được 30% diện tích na hiệu quả thấp bằng các giống mới, đảm bảo năng suất trên 150 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân, thị xã Đông Triều nói: "Hơn 200ha Na của xã Việt Dân đã có diện tích già cỗi, năng suất thấp. Năm 2023, với xã Việt Dân sẽ hoàn thành việc cải tạo và thay thế diện tích Na già cỗi trên địa bàn và xây dựng các mô hình mô hình Na Vietgap và chúng tôi đang thử nghiệm trên 7 ha hữu cơ nanô. Sau vụ Na này sẽ có kết quả đánh giá".
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành đề án về cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng đến cây ăn quả đặc biệt là cải tạo vườn, lai tạo các giống và trồng mới vườn khai thác lâu năm.
Hiện việc áp dụng khoa học kỹ thuật tại các vùng trồng Na từ chất đất, kỹ thuật canh tác, phân bón... chưa đạt kỳ vọng nên giá trị kinh tế từ quả na chưa đạt mức tối đa. Tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đây là xu hướng sản xuất an toàn và diện tích trồng na ở Đông Triều có lợi thế để áp dụng mô hình này để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
"Việc kết nối, liên kết tiêu thụ theo chuỗi là chưa có nên giá trị hàng hóa chưa cao. Về sản xuất đã đảm bảo quy trình nhưng với bao bì, tem nhãn đã dày công gây dựng nhãn hiệu Na dai Đông Triều và có bảo hộ nhãn hiệu nhưng việc đưa ra thị trường sử dụng nhãn mác chưa nhiều và chủ yếu bán theo hướng truyền thống nên có sự bấp bênh và ép giá. Vì vậy, cần có sự liên kết qua các sở ngành để bán hàng bài bản và mang lại giá trị cao hơn" - ông Nguyễn Văn Đức nói.
Quả na là loại trái cây có hương vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao và là cây trồng giúp nông dân Đông Triều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Để giữ vững thương hiệu "Na Đông Triều", thị xã Đông Triều cũng mở rộng thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, gắn kết với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, góp phần nâng cao giá trị canh tác trên một mẫu đất cho người nông dân.