Bộ mặt nông thôn vùng biên giới Lai Châu được cải thiện nhờ vốn rừng
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay/danviet/trangtraiviet điện tử, ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết: Từ khi huyện triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã giúp người dân cải thiện cuộc sống, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ bảo vệ rừng.
Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân nơi đây đã biết nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Nhờ đó, những cánh rừng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển xanh tốt, tỷ lệ che phủ rừng tăng qua từng năm.
Bên cạnh sự thay đổi của diện mạo nông thôn với các hạng mục, công trình đường, điện, trường, trạm… Không khó để nhận thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi tái sinh, diện tích đất trống, đồi trọc trước đây đang dần phủ kín bởi màu xanh của rừng.
Người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán ngày càng được nâng lên. Bà con đã rất tích cực tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh.
Đến nay, tại 69/69 bản trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên tiến hành tuần tra, canh gác rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Ở hầu hết các địa phương, nhất là xã có diện tích rừng lớn của huyện Nậm Nhùn đều có tỷ lệ che phủ rừng cao (Nậm Chà trên 61,6%; Mường Mô 62,2%; Hua Bum 63%, Mậm Manh 66,51%).
Người dân vùng biên giới Lai Châu gắn phát triển rừng với phát triển kinh tế
Bà Hảng Thị Mỷ, Chủ tịch UBND xã Nậm Manh hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Xã Nậm Manh chúng tôi là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất của huyện Nậm Nhùn, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, người dân ai cũng phấn khởi và tích cực hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Không chỉ ở xã Nậm Manh mà các địa phương khác trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, việc gắn quyền lợi của người dân trực tiếp thông qua chính sách chi trả DVMTR với công tác bảo vệ rừng đã giúp người dân thấy được những lợi ích của rừng đem lại.
Qua đó, làm thay đổi nhận thức để người dân thấy được lợi ích thiết thực và nâng cao ý thức trong công tác quản lý và bảo vệ rừng của mỗi cá nhân và cộng đồng đối với diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ.
Anh Lý Văn Chém - Trưởng bản Táng Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết: Cùng với việc trích lại một phần nhỏ từ số tiền được hưởng từ chính sách chi trả DVMTR hàng năm để mua sắm trang, thiết bị phục vụ cho công bảo vệ rừng. Mỗi gia đình chúng tôi cử 1 thành viên tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản.
Ý thức bảo vệ và phát triển rừng của bà con được nâng cao, từ việc bảo vệ rừng người dân đã được chỉ trả tiền DVMTR, nhiều hộ gia đình đã có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế và làm giàu. Chỉ tính riêng năm 2021, huyện Nậm Nhùn đã thực hiện chi trả hơn 70 tỷ đồng tiền DVMTR.
Nguồn lợi từ chăm sóc, bảo vệ rừng đem lại đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đều này đã được minh chứng cụ thể qua tỷ lệ che phủ rừng trên địa huyện tăng qua từng năm. Năm 2015, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Nậm Nhùn mới chỉ đạt 52,1%, thì đến thời điểm này, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện đã tăng lên 55,72%".
Có thể thấy, hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR không chỉ mang đến nguồn lợi kinh tế cho người dân, mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn.