Diện mạo nông thôn Hà Giang ngày càng khởi sắc
Là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều xã đặc biệt khó khăn do vậy nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới còn rất lớn.
Để khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng NTM thành công, tỉnh Hà Giang đã và đang huy động mọi nguồn lực, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Năm 2021, để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã huy động được gần 490 tỷ đồng; làm mới 437km đường bê tông các loại; xây dựng 1.407 bể nước, 2.620 nhà tắm, 3.010 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 1.177 chuồng trại gia súc ra xa nhà; xây dựng 106 phòng học, 84 nhà văn hóa thôn và kiên cố hóa 187 km kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, chung sức xây dựng nông thôn mới, nhân dân Hà Giang tự nguyện hiến gần 360.000m2 đất, đóng góp hơn 250.000 ngày công lao động; mở mới 229km đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 919km đường giao thông nông thôn; quyên góp, hỗ trợ gần 75 tỷ đồng xây dựng NTM. Qua đó, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn Hà Giang ngày càng khởi sắc.
Sau hơn 10 thực hiện xây dựng NTM, Hà Giang có 1 đơn vị hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (TP.Hà Giang); 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Phương Thiện, TP.Hà Giang) và 69 thôn nông thôn mới.
Phấn đấu đến hết 2025 tăng thêm 35 xã đạt chuẩn NTM
Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Giang, ông Đỗ Tấn Sơn cho biết: Với quan điểm, xây dựng NTM mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì vậy giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang đăng ký với Bộ NNPTNT 6 mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, đó là: Có thêm 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xây dựng nông thôn mới; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, Hà Giang phấn đấu đến hết 2025 số xã đạt dưới 15 tiêu chí còn 55 xã; có thêm 800 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 100% thôn biên giới có điện và có đường giao thông đạt tiêu chí NTM.
"Riêng năm 2022, tỉnh Hà Giang quyết tâm tăng 34 tiêu chí nông thôn mới, 60 thôn/10 huyện thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM tại 47 xã đã được công nhận", ông Sơn cho biết thêm. Hiện, toàn tỉnh Hà Giang có 47/175 xã được công nhận chuẩn NTM, đạt 26,85%, tổng số tiêu chí đã đạt của toàn tỉnh là 2.434 tiêu chí.
"Mặc dù đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, song, tỉnh Hà Giang cũng còn không ít "nút thắt" cần tháo gỡ. Trong đó, công tác duy trì và nâng cao chất lượng, bền vững các tiêu chí sau đạt chuẩn xã NTM ở nhiều địa phương chưa thường xuyên, chỉ đạo triển khai thực hiện thiếu quyết liệt (cá biệt xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, buộc phải thu hồi quyết định đạt chuẩn NTM)", Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Giang thẳng thắn nhận định.
Đề ra 11 giải pháp xây dựng NTM
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 Hà Giang đặt mục tiêu: xây dựng 1 huyện đạt chuẩn NTM; tăng thêm 35 xã đạt chuẩn NTM và nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 82 xã. Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Giang chỉ ra 11 giải pháp để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá
Bên cạnh đó, Hà Giang tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Ông Sơn chia sẻ thêm: "Hà Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Song song với đó, Hà Giang cũng sẽ thực đẩy mạnh các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa … cho nhân dân.
"Hà Giang cũng sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng KTXH nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững. Qua đó góp phần thúc đẩy bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn Hà Giang ngày càng phát triển", ông Sơn cho hay.