|
  • :
  • :

Khởi nghiệp từ nấm

Nấm được mệnh danh là “vua của các loại rau”. Nhận biết được giá trị của nấm và nhu cầu thị trường, vợ chồng anh Đỗ Quang Trung, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình trồng nấm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gây dựng mô hình nấm

Sau khoảng thời gian dài làm thuê tại TP. Hồ Chí Minh, đã có những lúc phải trả giá cho những sai lầm của tuổi trẻ, anh Đỗ Quang Trung (SN 1983) quyết định trở về quê sinh sống, lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Nga (SN 1987).

Trăn trở, suy nghĩ tìm hướng khởi nghiệp mới, anh Trung tình cờ đọc được bài báo về mô hình trồng nấm rất hiệu quả ở tỉnh Quảng Nam. Đây cũng chính là hướng đi được anh tìm hiểu, ấp ủ lâu nay. Anh liền bàn bạc với vợ rồi quyết định vào Quảng Nam, tìm đến mô hình nấm này để học tập kinh nghiệm về gây dựng mô hình riêng của mình.

Năm 2016, khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, vợ chồng anh Trung thành lập tổ hợp tác (THT) trồng nấm (thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Trạch), bắt tay vào phát triển mô hình trồng nấm trên chính diện tích đất của gia đình. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên bước đầu khởi nghiệp, mô hình trồng nấm của vợ chồng anh Trung chỉ rộng 50m2, trồng nấm sò trắng và nấm sò tía.

Mô hình trồng nấm được anh Đỗ Quang Trung (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) gây dựng thành công.

Mô hình trồng nấm được anh Đỗ Quang Trung (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) gây dựng thành công.

Trồng nấm trên vùng đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng… nên gia đình anh Trung đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Anh Trung chia sẻ: “Những nguyên liệu để trồng nấm như rơm, cồi ngô ở đây có rất nhiều. Đến mùa thu hoạch, chúng tôi thu gom về từ các ruộng, vừa tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Mùn cưa thì chúng tôi thường dùng từ gỗ cao su, keo tràm…, dù phải mua nhưng gần nên cũng đỡ công vận chuyển”.

Nấm linh chi là một trong những loại nấm quý, tốt cho việc tăng cường sức khỏe, chữa bệnh… Nhận định nhu cầu mua nấm linh chi của khách hàng ngày một lớn, anh Trung đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư trồng thêm loại nấm này. Tuy nhiên, thời gian đầu, do chỉ tập trung cho việc trồng mà chưa quan tâm đến thị trường đầu ra nên việc sản xuất nấm linh chi chưa mang lại hiệu quả.

Cùng với đó, việc trồng nấm sò cũng lúc được, lúc mất. Nhiều khi anh Trung định từ bỏ nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, anh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì mô hình trồng nấm.

Anh Đỗ Quang Trung (người đầu tiên bên trái sang) đưa sản phẩm nấm sò trắng tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2023.

Anh Đỗ Quang Trung (người đầu tiên bên trái sang) đưa sản phẩm nấm sò trắng tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2023.

Mới đây, anh Trung được dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm linh chi ở các tỉnh phía Bắc. Nhờ đó, anh bắt đầu biết đến kỹ thuật trồng nấm linh chi từ gỗ khúc. Phương pháp trồng này giúp cây nấm phát triển tự nhiên và người trồng không phải đầu tư chi phí mua các chất dinh dưỡng, phụ gia; đặc biệt là hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp trồng truyền thống trước đây. Từ năm 2023 đến nay, anh Trung trồng nấm linh chi theo phương pháp mới, bước đầu đã thành công và dần có thị trường đầu ra.

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, quy trình sản xuất giống, phôi… nên việc trồng nấm đã mang lại kết quả hơn mong đợi. Đến nay, THT trồng nấm của gia đình anh được mở rộng lên gần 300m2, trồng các loại nấm, gồm: Sò trắng, sò tía, linh chi, rơm; sản lượng thu hoạch 7-8 tấn nấm tươi/năm; lợi nhuận mang lại trên 200 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động tại địa phương.

Vợ chồng anh Đỗ Quang Trung tận dụng các phế phẩm nông nghiệp tại địa phương để trồng nấm.

Vợ chồng anh Đỗ Quang Trung tận dụng các phế phẩm nông nghiệp tại địa phương để trồng nấm.

Xây dựng ản phẩm an toàn, chất lượng

Trang trại trồng nấm của gia đình anh Trung hiện được thiết kế, quy hoạch bài bản, bảo đảm nhiệt độ, ánh sáng tự nhiên cho nấm sinh trưởng và phát triển. Các loại nấm được sản xuất an toàn, chất lượng; trong đó chủ lực là nấm sò trắng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nấm của gia đình anh Trung được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong tỉnh qua các chợ đầu mối, cửa hàng nông sản, nhà hàng… Ngoài cung ứng nấm tươi, gia đình anh còn cung cấp nấm linh chi khô.

Anh Trung cho hay: “Để làm ra sản phẩm nấm sạch, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, an toàn từ khâu đầu vào là phôi nấm đến cách chăm sóc, sử dụng nước tưới, vệ sinh trại trồng nấm và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Nấm linh chi được vợ chồng anh Đỗ Quang Trung trồng thành công theo phương pháp mới.

Nấm linh chi được vợ chồng anh Đỗ Quang Trung trồng thành công theo phương pháp mới.

Nhận thấy, mô hình trồng nấm của gia đình anh Đỗ Quang Trung có chất lượng tốt, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, để giúp sản phẩm khẳng định được giá trị, tạo thương hiệu nông sản của địa phương, xã Hưng Trạch phối hợp với dự án VFBC hỗ trợ, đồng hành cùng gia đình anh Trung xây dựng sản phẩm OCOP cho nấm sò trắng thông qua việc hướng dẫn, hỗ trợ các quy trình thiết kế, hoàn thiện bao bì sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó, cuối năm 2023, sản phẩm nấm sò trắng của gia đình anh Trung đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.

Anh Trung chia sẻ: “Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến hôm nay có được mô hình trồng nấm như này là điều hạnh phúc của vợ chồng tôi. Mặc dù đã sản xuất được nấm chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng để mô hình phát triển quy mô, ổn định hơn thì chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều trong việc đầu tư mẫu mã bao bì, quy cách đóng gói, mở rộng diện tích trồng nấm, tìm kiếm liên kết thị trường tiêu thụ… Nếu thuận lợi, thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng nấm thêm khoảng 130m2; xây dựng sản phẩm nấm linh chi OCOP; đầu tư kinh phí mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP…”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Đỗ Văn Phúc cho biết: “Tận dụng lợi thế của địa phương, anh Đỗ Quang Trung đã mạnh dạn đầu tư, phát triển thành công mô hình trồng nấm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Để tạo điều kiện cho mô hình ngày một phát triển hơn, địa phương đã hỗ trợ thành lập THT trồng nấm; phối hợp với dự án VFBC hỗ trợ giá kệ trồng nấm, máy phun sương, xây dựng sản phẩm OCOP; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng OCOP của xã… Hiện, địa phương cũng đang liên hệ với các doanh nghiệp, đại lý thu mua số lượng lớn, giúp THT trồng nấm của anh Trung có đầu ra ổn định”.

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/khoi-nghiep-tu-nam-2218437/